Một số nhân viên của quán đã gõ cửa cảnh báo các phòng có người đang hát nhưng do chủ quan, không tỉnh táo dẫn đến không nhanh chóng thoát ngay.
Đại tá NGUYỄN MINH KHƯƠNG, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Bộ Công an, cho biết như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề liên quan vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương.
Việc chữa cháy có chậm trễ?
* Được biết cục đã cử tổ công tác vào để phối hợp điều tra nguyên nhân vụ cháy ở Bình Dương. Xin ông cho biết kết quả kiểm tra đến nay cho thấy công tác CNCH trong vụ cháy đã được thực hiện như nào?
- Công tác CNCH đã được ưu tiên thực hiện ngay từ giai đoạn ban đầu, khi lực lượng cảnh sát PCCC đến đám cháy. Trước thời điểm lực lượng cảnh sát PCCC đến, đã có một số người nhảy từ trên cao xuống, 1 người bị chấn thương sọ não, 1 người bị gãy chân và 1 người bị thương nhẹ được đưa đến bệnh viện.
Giai đoạn đầu, lực lượng cảnh sát PCCC tiếp cận hiện trường bằng nhiều hướng, trong đó có sử dụng xe thang nhanh chóng cứu được 12 người trên sân thượng và hướng dẫn khoảng 20 người tự thoát nạn an toàn.
Phần lớn người bị nạn không thể thoát ra ngoài nên đã trú ẩn trong phòng hát và trong nhà vệ sinh. Cảnh sát cũng tích cực triển khai các lăng phun nước làm mát, khống chế ngọn lửa đã bùng phát rất mạnh để tiếp cận phía trong công trình, tìm kiếm người bị nạn.
* Công tác ứng cứu có chậm chễ hay gặp khó khăn gì không mà số người chết lại lớn như vậy, thưa ông?
- Có thể thấy khi mới phát sinh cháy, lực lượng tại cơ sở đã không xử lý hiệu quả nên dẫn đến đám cháy lan nhanh, lan rộng. Một số nhân viên của quán đã gõ cửa cảnh báo các phòng có người đang hát nhưng do chủ quan, không tỉnh táo dẫn đến không nhanh chóng thoát ngay, dẫn đến khi đám cháy bùng phát mạnh, bịt kín các lối thoát thì không thể thoát ra ngoài được nữa.
Thông thường, những người còn lưu lại trong khu vực đám cháy, khi bị tác động của khói và khí độc thì chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, trong một vài phút là khả năng sống sót sẽ không còn.
Công tác CNCH của lực lượng cảnh sát trong giai đoạn đầu đã hiệu quả, cứu được nhiều người trên sân thượng và ở các công trình lân cận. Giai đoạn sau khó khăn, kéo dài do các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy tác động, khả năng tiếp cận... nên việc tìm kiếm và đưa người bị nạn ra ngoài mất một thời gian dài.
Sẽ xử lý nghiêm nếu địa phương buông lỏng kiểm tra
* Việc thẩm định công tác phòng cháy được thực hiện ra sao, khi cơ sở này được cấp "giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC" và liên tục được kiểm tra về an toàn PCCC vào các năm 2019, 2021, 2022?
- Về việc này, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra và thẩm định việc thực hiện thẩm duyệt có đầy đủ hay không, có đảm bảo yêu cầu theo quy định hay không... từ đó sẽ đưa ra kết luận và xử lý theo quy định các cá nhân, tổ chức nếu có các vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét việc duy trì các điều kiện an toàn PCCC và CNCH tại cơ sở có đảm bảo hay không.
Việc khắc phục những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy thông qua các yêu cầu của đơn vị quản lý có được thực hiện đầy đủ, kịp thời hay không để từ đó xem xét trách nhiệm của các cá nhân có trách nhiệm trong cơ sở và có xử lý theo quy định.
Một yếu tố nữa cũng cần đề cập đến là do âm thanh lớn, ánh sáng thiếu dẫn đến người hát karaoke không nhận ra được chuông cảnh báo và không nghe rõ lời cảnh báo của nhân viên nên đã không chủ động thoát nạn.
* Theo ông, có hay không công tác kiểm tra về PCCC ở một số địa phương bị buông lỏng?
- Theo báo cáo từ các địa phương, việc kiểm tra các cơ sở nói chung và karaoke nói riêng hằng năm được thực hiện đầy đủ. Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã thường xuyên có kiểm tra, đánh giá và chấn chỉnh việc thực hiện công tác nghiệp vụ tại các địa phương.
Kết thúc đợt kiểm tra, rà soát tổng thể các cơ sở karaoke trên toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Công an và cuối tháng 9 tới cục sẽ đánh giá, thẩm định và nếu phát hiện địa phương nào có việc buông lỏng quản lý đối với công tác này sẽ báo cáo lãnh đạo bộ xử lý nghiêm.
* Thủ tướng vừa có chỉ đạo sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu để cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện hoạt động thì những giải pháp như vậy hỗ trợ thế nào đến việc coi trọng công tác PCCC, thưa ông?
- Theo tôi nghĩ, đây là giải pháp rất hữu hiệu hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác PCCC và CNCH. Việc này giúp nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác PCCC và CNCH, sự quan tâm chỉ đạo về công tác này tại địa phương.
Sẽ thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với lực lượng chức năng thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, khi đó sẽ tăng cường tính khách quan và khả năng giám sát, kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC đối với loại hình cơ sở này và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.
Bộ Công an điều tra, xử lý chỉ khi thấy cần thiết
Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng Bộ Công an, khẳng định từ đầu khi nắm thông tin về vụ cháy, bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo ngay về việc xử lý.
Đồng thời, thứ trưởng Bộ Công an phụ trách PCCC cũng chỉ đạo trực tiếp. Tại hiện trường vụ cháy cũng có cục trưởng Cục cảnh sát PCCC, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp tham gia điều tra vụ cháy.
"Việc điều tra, xử lý vụ cháy phải theo quy định về phân cấp, phân quyền. Giám đốc công an địa phương phải xử lý và đủ sức xử lý. Khi nào thấy cần thiết hoặc chừng nào họ làm sai thì bộ mới vào cuộc chấn chỉnh...", trung tướng Tô Ân Xô nói.
ÁI NHÂN