UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Tổ Điều hành công tác cứu hộ, cứu nạn tại cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đào đất bằng gầu cạp, trong quá trình đào có sử dụng bentonite để giữ ổn định thành vách đến độ sâu -19m so với đầu trụ bê tông (còn 5m là đến đầu đốt cọc số 3). Do chiều dài tự do đầu trụ lớn nên phải cắt mối nối 1 và đưa đốt 1 (trụ bê tông gồm 3 đoạn) lên khỏi hố móng, đồng thời bịt kín đầu trụ đoạn 2 vào lúc 3 giờ 30 phút ngày 16/1/2023 để tránh trụ bị đổ nghiêng.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, công việc tiếp theo là đào đất trong lòng hố móng để đạt được độ sâu – 23m tính từ đầu trụ bê tông (cách mối nối thứ 2 hay đầu trụ đốt 3 khoảng 1m). Sau đó, thực hiện đưa ống vách D2100 lên bờ để chuẩn bị cho công tác rung hạ xuống hố móng.
Trước đó, vào ngày 15/1, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã nhổ được ống vách (D1600) bằng cẩu 80 tấn có treo búa rung 90kW. Trước khi nhổ ống vách (D1600) phải dùng cọc ván thép 18m rung hạ rồi nhổ lên để phá ma sát giữa đất với ống vách D1600.
Bên cạnh đó, sau khi nhổ được ống vách, đội thi công thực hiện kiểm tra tình trạng hố móng, dọn dẹp mặt bằng, gia cường lại các vị trí đứng thiết bị, điều chuyển thiết bị cần thiết cho công tác đào đất vào vị trí và hạ 4 cọc ván thép dẫn hướng cho gầu cạp. Tuy nhiên, công tác đào đất rất khó khăn vì đất sét dẻo cứng mút chặt lấy thiết bị.
Như Tiền Phong đưa tin, trước đó khoảng 11 giờ 30 giờ ngày 31/12, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu nằm trên đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã có mặt, đưa máy móc, thiết bị chuyên dụng vào hiện trường để hỗ trợ gia đình giải cứu cháu bé. Tuy nhiên, do móng trụ bê tông đã được đóng sâu trong lòng đất, nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.