Trưa ngày 3/1, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đã có buổi gặp báo chí tại hiện trường vụ tai nạn bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) lọt vào trụ bê tông rỗng sâu 35m của công trình cầu Rọc Sen.
Theo ông Bửu, từ tối 2-1 đến sáng nay 3-1, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn đã đặt ống có chiều sâu 14m (còn lại 3m trên mặt đất - PV) để bao quanh ống bê tông (có bé Nam), sau đó sẽ dùng khoan guồng xoắn để làm tơi đất, giảm áp lực ma sát trực tiếp lên thành ống. Khi nào đủ điều kiện sẽ rút trụ bê tông lên và thực hiện các biện pháp cứu hộ.
"Sau khi rút ống đầu lên, lực lượng cứu hộ công binh của Quân khu 9 sẵn sàng thăm dò xem bé đang ở đoạn nào. Lúc này lực lượng sẽ sẵn sàng cưa cắt chuyên dụng, để bọc lộ cứu hộ bé trai. Đây là biện pháp có sự phối hợp của các lực lượng. Vì trụ bê tông do ba đoạn nối thành nên phải cẩn thận. Từ hôm qua đến nay, chủ yếu đặt ống, làm đất tơi xốp lên để xem đủ điều kiện sẽ đưa ống lên. Ngoài ra, chúng tôi còn đề nghị các bộ, ngành trung ương có giải pháp cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ giúp tỉnh. Chúng tôi vừa cứu hộ tại chỗ, vừa trưng cầu ý kiến chuyên gia vừa kêu gọi sự giúp đỡ của tuyến trên, để làm sao rút ngắn thời gian cứu bé", ông Bửu cho biết.
Theo ông Bửu, biện pháp thi công gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình, thiết bị, công cụ… nhưng các lực lượng vẫn nỗ lực mọi giá để cứu bé, không bị gián đoạn. Dự kiến trong chiều nay 3/1 sẽ hoàn thành các công đoạn, sau đó sẽ rút ống lên. Do bé đang ở ngày thứ 4 trong ống hẹp, có khả năng đa chấn thương nên tiên lượng rất xấu.
Ông Bửu nói: "Đây là tình huống tai nạn rất hiếm gặp, rất hy hữu, không ngờ được. Do đó các biện pháp lúc đầu là tập trung cứu sống bé. Sau đó, thấy khó khăn nên tỉnh triển khai các biện pháp khác."
Ông Bửu cũng thừa nhận lúc đầu có lúng túng, bất ngờ nhưng các lực lượng vẫn tìm mọi cách để tiếp cận cứu bé. Thật ra lúc đầu địa phương tính giải cứu bé thực hiện theo phương án tại chỗ. Sau đó, Đồng Tháp đã có văn bản gửi Quân khu 9, các bộ, ngành. Ngay từ lúc đầu, Đồng Tháp biết đây là việc khó nên tỉnh có báo cáo xin ý kiến trung ương, các bộ ngành và các chuyên gia hỗ trợ.
Ông Bửu cho biết gia đình bé Nam thuộc trường hợp khó khăn nên tỉnh đã động viên, hỗ trợ bằng hiện vật và hiện kim, để họ phối hợp thực hiện cứu bé.
Việc sử dụng ống vách thép có đường kính 1,6m bao quanh ống bê tông có bé Nam là phương án lần đầu tiên sử dụng tại Đồng Tháp. Sau đó sẽ làm đất xốp trong ống để từ từ rút trụ bê tông. Nhóm kỹ thuật khẳng định đây là phương án tốt nhất nên đang tập trung làm.
"Vì sau khi làm tơi xốp đất hút ra, giảm tối đa áp lực, rồi tiếp tục khoan xuống đoạn dưới thì hy vọng sẽ rút ra được. Do đó, biện pháp này đang tập trung thực hiện. Nếu tính khối lượng thì dự kiến đến chiều nay (3-1), công việc khoan nhồi tơi xốp đất sẽ cơ bản hoàn thành. Sau đó sẽ có các thử nghiệm kiểm tra xem đất đã tơi xốp, độ ma sát đã giảm rồi có đủ điều kiện dùng thiết bị chuyên dụng cáp kết nối ống trụ kéo thẳng lên khỏi mặt đất để cắt từng đoạn", ông Bửu nói.
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) cùng ba bạn khác đi lại công trình cầu Rọc Sen (cách nhà Nam 500m)) để nhặt sắt về bán ve chai thì bất ngờ Nam lọt xuống trụ bê tông có đường kính 25cm, được đóng sâu khoảng 35m.
Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ xuyên đêm 31-12 đến nay.
Đến nay, bé Nam đã mắc kẹt hơn 72 giờ trong trụ bê tông rỗng sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình.