Ngày 22/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, cùng ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang) để điều tra về tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Theo cơ quan công an, sau thời gian tích cực điều tra, lực lượng An ninh điều tra đã phối hợp cùng Công an huyện An Phú nhanh chóng xác định, trong 40 người trốn khỏi Casino bên Campuchia bơi qua sống về Việt Nam, Lệ cùng Danh đưa trót lọt 6 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Lệ khai nhận khoảng tháng 5, người đàn ông không rõ lai lịch đã rủ người phụ nữ này tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia.
Lệ sau đó rủ Danh cùng tham gia đưa khách đến bến sông phía bờ Việt Nam để đưa sang Campuchia. Theo thỏa thuận, nếu đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000 đồng/người.
Trước đó, trong 42 người cố gắng thoát khỏi casino, 40 người đã vào Việt Nam an toàn, một trường hợp tử vong khi bơi qua sông (đã tìm thấy thi thể), người còn lại bị bảo vệ sòng bạc ở Campuchia giữ lại.
Theo các nạn nhân, do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc với mức lương 700-1.000 USD/tháng, họ vượt biên trái phép sang Campuchia.
Khi phải làm việc quá thời gian quy định, không được trả lương, bị đối xử thậm tệ, những người này bàn bạc cách vượt biên giới về Việt Nam. Đoạn video lan truyền trên mạng đã ghi lại cảnh 42 người xô xát với bảo vệ sòng bạc để tháo chạy hôm 18/8.
Sau khi lấy lời khai 40 người (35 nam và 5 nữ) từ casino Rich World ở Campuchia, bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam, Công an tỉnh An Giang điều tra làm rõ vai trò những người đưa lao động vượt biên trái phép.
Trao đổi với PV Infonet về vụ án này, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Theo quy định của Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, xuất cảnh là việc công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Công dân nói chung để có thể xuất cảnh đều phải cơ bản đáp ứng được các điều kiện về giấy tờ chứng minh về nhân thân, giấy tờ xuất nhập cảnh, hộ chiếu, không thuộc trường hợp cấm/tạm hoãn xuất cảnh…”.
Trong vụ án này, luật sư Hoàng Tùng nhận định: “Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh đã tham gia đưa người đến bến sông phía bờ Việt Nam để đưa sang Campuchia với số tiền công nhận được là 100.000 đồng/người – đây là hành vi vi phạm pháp luật, chính là hành vi buôn bán người.
Theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép từ 1- 5 năm, mức phạt tù có thể lên tới 15 năm tù".
Luật sư phân tích: “Vụ lợi” đóng vai trò là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình. Lệ và Danh đã thực hiện hành vi phạm tội tổ chức đưa người ra khỏi biên giới Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật xuất, nhập cảnh nhằm mục đích đạt được 100.000 đồng/người.
Hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh ở Việt Nam. Số lượng người xuất cảnh trái phép mà Lệ và Danh đã thực hiện trót lọt là 6 người, căn cứ theo khoản 2 Điều 348 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt tù có thể được áp dụng là từ 5 đến 10 năm do phạm tội thuộc trường hợp “đối với từ 5 người đến 10 người”.
Có thể thấy, tội phạm này đã xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh. Số lượng người trót lọt đã nằm trong khung tình tiết tăng nặng nhưng xét về số lợi bất chính hai đối tượng thu được còn chưa bằng mức tối thiểu số lợi bất chính được quy định tại Điều 348 để áp dụng tình tiết tăng nặng (từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng)”.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, có lẽ do sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như hoàn cảnh, điều kiện sống thiếu thốn, khó khăn đã thúc đẩy hành vi phạm tội. Nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép nói riêng và tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nói chung, các cơ quan, ban ngành, địa phương, nhất là các địa phương gần khu vực biên giới cần tích cực tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân.