Liên quan vụ 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ tại huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), chính quyền địa phương cho biết đã có 2 người tử vong là Đỗ Thị Định (40 tuổi, con gái cả) và Đỗ Thị Điểm (34 tuổi, con gái thứ hai). Trong đó, bà Điểm được xác định là người trực tiếp đổ xăng phóng hỏa.
Với việc 2 người liên quan trực tiếp đã tử vong, vụ án có thể diễn biến ra sao?
Chưa thể đình chỉ điều tra vụ án
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) cho biết theo khoản 7, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp không có sự việc phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Khoản 1, Điều 158 Bộ luật này quy định khi có một trong các căn cứ đã nêu tại Điều 157, người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu đã khởi tố, phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo rõ lý do cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Nếu xét thấy cần xử lý bằng biện pháp khác, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật này, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra. Ngoài ra, quyết định đình chỉ điều tra cũng sẽ được ban hành nếu hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
"Theo quy định, khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định không khởi tố hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp vụ án có nhiều nghi phạm và có người vẫn còn sống, hoạt động điều tra vẫn được tiếp tục", ông Quynh phân tích.
Đối chiếu trường hợp này, luật sư cho rằng do con gái út còn sống, chưa thể đình chỉ điều tra vụ án. Việc đình chỉ điều tra chỉ áp dụng với những người đã tử vong. Đối với những người còn sống, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của họ, tiến hành lấy lời khai, đồng thời thu thập, củng cố các chứng cứ để làm rõ vụ án.
Trường hợp người con gái út được xác định có hành vi phạm tội, người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần hậu quả mà hành vi của mình gây ra. Ngược lại, nếu hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm, quyết định đình chỉ điều tra sẽ được ban hành.
Trách nhiệm của người còn lại ra sao?
Bình luận về trách nhiệm của người con gái còn lại, luật sư, cựu điều tra viên Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng cần làm rõ ý thức chủ quan, động cơ, mục đích cũng như vai trò của người này trong vụ án. Không trực tiếp đổ xăng đốt nhà nhưng nếu bị xác định đã tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần để chị gái thực hiện hành vi nguy hiểm, người này vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm trong vụ án.
Bên cạnh tội Giết người mà Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra, ông Doãn cho biết cần xem xét thêm trách nhiệm của người này về các tội Hủy hoại tài sản (Điều 178) và Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) tại Bộ luật Hình sự 2015.
Còn luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) nhìn nhận dưới góc độ dân sự, với việc cơ quan công an đã khởi tố vụ án Giết người, người con gái út có thể bị truất quyền hưởng thừa kế theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, Điều 621 Bộ luật này quy định những người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe; ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó hoặc bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng thì sẽ thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản.
Đối chiếu với trường hợp này, ông Tiền đánh giá nếu bị tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội Giết người, người con gái út sẽ bị truất quyền hưởng thừa kế. Khi đó, di sản sẽ thuộc về người còn lại trong hàng thừa kế thứ nhất theo thông tin hiện có là người con trai trong gia đình.