Phụ nữ thường sẽ bao lâu thì giặt nội y một lần? Trong cuộc phỏng vấn với ETToday, bác sĩ da liễu Cai Yishan đã chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ đã khiến các bác sĩ phải rùng mình khi nhìn thấy nội y của bệnh nhân.
Người phụ nữ 60 tuổi bị ngứa da vào mùa đông dẫn tới viêm da và bắp chân của nữ bệnh nhân cũng bị ngứa ngáy rất nhiều nên đã đi khám. Sau khi kiểm tra và kê thuốc điều trị, bác sĩ cho người phụ nữ ra về.
Tuy nhiên, ngay trước khi rời phòng khám, người chồng đi cùng với nữ bệnh nhân bất ngờ nói với bác sĩ: "Bác sĩ ơi, bác sĩ có thể khuyên vợ tôi đừng mặc đồ lót ẩm mốc nữa được không?” Sau đó, người đàn ông đưa bức ảnh chụp lại mặt bên trong áo ngực của nữ bệnh nhân khiến bác sĩ giật mình. Trong bức ảnh có thể thấy chiếc áo lót của người phụ nữ nổi đầy những chấm đen là dấu hiệu của mốc. Chỉ nhìn lướt qua cũng thấy ít nhất khoảng 20 chấm đen mốc.
Sau đó, bác sĩ Cai Yishan đã nói chuyện riêng với người phụ nữ và được biết cô rất ngại khi phơi nội y bên ngoài trời vì sợ người khác thấy nên thường giặt tay và phơi ngay trong nhà tắm. Chiếc áo lót mà cô dùng thực ra đã bắt đầu có nấm mốc từ 2 năm trước nhưng người phụ nữ nghĩ rằng không vấn đề nên vẫn mặc.
Tuy nhiên thời gian gần đây, người phụ nữ cảm thấy thỉnh thoảng da vùng ngực bị ngứa nhưng vì cơn ngứa không quá lâu và khó chịu nên cô không đi khám. Người chồng sau đó cũng liên tục khuyên vợ thay quần áo lót bị mốc nhưng người vợ nhất quyết nói: “Không bị rách thì sao phải thay". Mãi tới khi tình trạng ngứa ngáy khắp toàn thân xảy ra, người vợ mới chịu đi khám.
Bác sĩ Cai Yishan đã cảnh báo người phụ nữ điều này là không nên. Trước đây, bác sĩ cũng đã gặp không ít nữ bệnh nhân là học sinh, sinh viên mặc áo lót bị mốc suốt thời gian dài gây ra vết chàm đỏ và ngứa, thậm chí họ còn chảy cả dịch sau khi gãi phải dùng giấy lau liên tục.
Một khi vùng da nhạy cảm tiếp xúc với quần áo lót bị mốc có thể khiến da mẩn đỏ, ngứa, vết thương xuất hiện sau khi gãi có thể bị nhiễm khuẩn, nghiêm trọng có thể gây viêm mô tế bào.
Sau đó, mặc dù người phụ nữ đã thay áo lót mốc nhưng người chồng trong một lần cùng vợ tới tái khám đã tiết lộ thêm rằng ngay cả quần lót của vợ cũng mốc nhưng không chịu thay. Lần này, bác sĩ Cai Yishan thực sự chán nản, lại một lần nữa nhắc nhở người phụ nữ nếu giặt đồ lót bằng tay và để trong phòng tắm ẩm ướt tương đối ẩm, nấm mốc rất dễ phát triển, thường thì nên treo quần áo ở nơi thoáng gió nhất có thể và phơi dưới ánh nắng mặt trời để đảm bảo mặt tiếp xúc với quần áo được giữ khô.
Mặc quần áo ẩm mốc có thể gây ra những hậu quả gì?
Nấm mốc phát tán bào tử và chất độc di chuyển trong không khí và bị hút vào các vật liệu ẩm ướt có nhiều sợi, chẳng hạn như gỗ, vách thạch cao và vải.
Nếu quần áo của bạn vẫn bị ướt trong một thời gian dài, nấm mốc sẽ bị hút vào đó khá nhanh - trong khoảng từ 24-48 giờ. Giữ quần áo ẩm ướt ở những nơi không thông thoáng hoặc quá gần nhau sẽ trở thành nơi sinh sôi nảy nở của nấm mốc trên quần áo. Một khi quần áo bị nấm mốc, chúng có thể gây ra những ảnh hưởng sau tới sức khỏe nếu bạn mặc chúng thường xuyên.
Gây bệnh về hô hấp
Có khoảng 10 loại nấm mốc có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề hô hấp của con người như gây dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản, suy hô hấp,... Ví dụ như Stachybotrys chartarum - loại nấm mốc độc hại, có thể sản sinh bào tử trong cơ quan hô hấp ngay khi hít phải.
Khi bạn mặc hoặc ở gần quần áo bị ẩm mốc này có thể vô tình hít phải những bào tử nấm mốc. Từ đó có thể gây ra bệnh nhiễm trùng (những người có hệ thống miễn dịch kém thường mắc phải) hoặc dị ứng (hen suyễn, xoang…), đặc biệt với trẻ em.
Nếu vấn đề này không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì có thể gây ra những bệnh về đường hô hấp mãn tính.
Gây bệnh về da
Da chính là cơ quan rất dễ bị ảnh hưởng khi bạn mặc quần áo nấm mốc bởi da chính là bề mặt tiếp xúc nhiều nhất với quần áo. Khi nấm mốc bám trên da có thể gây dị ứng da, nhiễm trùng da, ngứa da, đặc biệt ở những khu vực nhạy cảm và da trẻ em.
Phụ nữ nếu mặc quần lót bị ẩm mốc có thể bị nấm âm đạo, viêm nhiễm "vùng kín". Nấm âm đạo là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ mà có thể bị lây qua nhiều nguyên nhân như quan hệ tình dục, mặc quần áo ướt, lây qua bồn cầu...
Biểu hiện của bệnh nấm âm đạo là âm hộ đỏ, phù, ngứa dữ dội, âm đạo ra nhiều khí hư có khi lẫn mủ. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Bao lâu nên thay đồ lót?
Trên trang The Sun, chuyên gia Claire Franks cho biết, bạn nên thay áo ngực 6 tháng một lần. Áo ngực cần được thay thế để duy trì sự vừa vặn và nâng đỡ tốt nhất vì áo ngực sẽ giãn ra khi mặc.
Chuyên gia Claire Franks khuyên bạn nên có ba chiếc áo ngực để sử dụng và chúng cũng nên được thay thế khi áo ngực bị bung ra phía sau và móc không thể thắt chặt để mang lại cho bạn sự vừa vặn. Ngoài ra, khi dây áo lót thường tuột khỏi vai, phần gọng bị lòi ra ngoài, phần ngực áo bị bóp méo… thì chị em cần phải vứt bỏ luôn.
Còn với quần lót. Nhiều người đợi đến khi đồ lót bị thủng hoặc mất màu khi giặt mới thay nhưng có lẽ bạn cũng nên thay chúng thường xuyên hơn. Trang tạp chí dành cho phụ nữ của Mỹ - Good Housekeeping khuyên chị em phụ nữ nên thay đồ lót sau mỗi 6 tháng, nhiều nhất là 1 năm vì lý do vệ sinh.
Còn theo tiến sĩ Charles Gerba, giáo sư vi sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ), về mặt lý thuyết, bạn hoàn toàn có thể giữ quần lót của mình cho đến khi nó bị bung ra, miễn là bạn giặt sạch sẽ và thường xuyên.
Ông nói: “Miễn là chúng vẫn bình thườn, độ đàn hồi tốt, vừa vặn, không có lỗ thủng, bào mòn hay hiện tượng nấm mốc và bạn giặt chúng thường xuyên, bạn có thể sử dụng rất lâu mà không có thời gian ngừng."