Thời gian gần đây, rất nhiều người bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về việc có hay không virus SARS-CoV-2 lây lan qua con đường thực phẩm và hàng hoá.
Về vấn đề này, giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm đóng gói.
"Virus SARS-CoV-2 phát tán lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần và đường giọt bắn. Giống như các virus corona khác, virus SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt khác nhau, tại mọi nơi từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm", giáo sư Mai khẳng định.
Theo giáo sư Mai, nếu người dân còn băn khoăn về khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm thì hãy thực hiện các hướng dẫn về vệ sinh, rửa tay sau khi cầm nắm thực phẩm, rau củ quả bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi chợ, làm sạch các dụng cụ đựng thực phẩm, rau quả thường xuyên để yên tâm hơn.
Tính tới sáng 24/2, Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc COVID-19 mới trong cộng đồng tại Hải Dương.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi cho 1.760 bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong số những trường hợp mắc bệnh đang điều trị tại nước ta, 87 người có kết quả âm tính lần 1, 39 người âm tính lần 2 và 60 bệnh nhân âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở nước ta đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị.
Phần lớn trong số họ là người cao tuổi, có bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.