Một nghiên cứu cho thấy do biến đổi khí hậu, các loại virus lây truyền qua động vật như Ebola sẽ gây ra số ca tử vong cao gấp 12 lần vào năm 2050 so với năm 2020.
Nhóm nghiên cứu tại Ginko Bioworks, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ, cảnh báo rằng các loại virus có nguồn gốc từ động vật có thể xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Với xu hướng lịch sử của virus, nguy cơ đối với sức khỏe toàn cầu đang gia tăng, vì vậy cần có hành động khẩn cấp để hỗ trợ phòng ngừa, chuẩn bị và phục hồi".
Nhóm nghiên cứu đã điều tra xu hướng bùng phát của 4 mầm bệnh virus cụ thể với virus thuộc họ filovirus, bao gồm virus Ebola và Marburg, virus SARS, virus Nipah và virus Machupo. Bằng cách phân tích hơn 3.150 trường hợp nhiễm bệnh từ năm 1963 đến năm 2019, nhóm nghiên cứu đã xác định được 75 đợt bùng phát virus ở 24 quốc gia trên thế giới. Sự bùng phát virus khiến 17.232 người tử vong, trong đó 15.771 người tử vong do filovirus, hầu hết xảy ra ở Châu Phi.
Trong số 4 loại virus mà nhóm nghiên cứu tập trung vào, filovirus lây truyền qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể và gây sốt, nôn mửa và chảy máu. Virus Marburg, "anh em họ" của Ebola, gây chết người với tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Virus Corona SARS cũng gây ra các triệu chứng giống cúm và bùng phát vào năm 2003, lây nhiễm cho 8.000 người, trong đó 800 người tử vong. Virus Nipah xảy ra hàng năm ở các khu vực châu Á như Bangladesh và Ấn Độ, và các triệu chứng như sốt và đau đầu xảy ra từ 5 đến 14 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài đến hai tuần. Hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê và chưa có vắc xin cũng như phương pháp điều trị.
Nhóm nghiên cứu dự đoán rằng các bệnh truyền nhiễm đang tăng khoảng 5% mỗi năm và nếu tốc độ gia tăng này tiếp tục, số đợt bùng phát virus sẽ tăng gấp 4 lần và gây ra số ca tử vong nhiều hơn 12 lần vào năm 2050. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Con số này có thể là thấp hơn vì các tiêu chí nghiêm ngặt về mầm bệnh đã được áp dụng và các trường hợp mắc bệnh COVID-19 đã bị loại trừ".