Tư tưởng có con trai để nối dõi tông đường trong gia đình Việt
Chị H., sống tại Thanh Trì - Hà Nội sinh 3 người con đều là gái. Trước kia chỉ vì điều này mà chị luôn bị chồng coi thường, dè bỉu, thậm chí đánh đập vì cho rằng đã làm chồng mất mặt. Chồng chị cũng vì tự ti mà tránh mặt họ hàng.
Sống chịu đựng nhiều năm, chị H. quyết định đi xin trứng để sinh con trai cho chồng vì bản thân đã có tuổi, không còn khả năng sinh sản. Có con trai, cuộc sống gia đình chị thay đổi hoàn toàn. Chồng chị H. nở mày nở mặt với họ hàng, yêu chiều vợ con hơn trước.
Chia sẻ với PV, chị H. cho biết, có con trai chính là sự cứu vãn cho cuộc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm của chị.
Không chỉ riêng gia đình chị H., nhiều gia đình Việt cũng có tư tưởng “kiểu gì cũng phải sinh được con trai”.
Báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là 111,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tình trạng này phản ánh mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta vẫn ở mức cao.
Ông Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ Trưởng vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam là một trong quốc gia hiếm hoi có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên và đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu.
Tiến sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết: “Bản thân việc sinh con trai nhiều hơn con gái là một hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên ở Việt Nam mức chênh lệch về giới tính khi sinh đã ở tình trạng báo động. Chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tư tưởng trọng nam kinh nữ, phải có con trai để nối dõi đã in sâu vào người Việt bất kể giàu nghèo, học vấn cao thấp thế nào”.
Các nghiên cứu đã thực hiện ở Việt Nam cho thấy mong muốn có con trai rất phổ biến ở Việt Nam. Thậm chí còn có các dịch vụ sinh con theo ý muốn và sách hướng dẫn các cặp vợ chồng sinh con theo ý muốn.
“Mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra trong thời gian dài và chính là hệ lụy của bất bình đẳng giới. Nam giới có điều kiện kinh tế, xã hội thấp hơn có thể khó lập gia đình hơn. Thừa nam giới dẫn đến việc cấu trúc gia đình bị phá vỡ, người già neo đơn. Việc thiếu cô dâu cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng buôn bán phụ nữ” – Chị Tú Anh cho hay.
Đơn cử như ở Trung Quốc, tình trạng mất cân bằng về giới tính, nam nhiều hơn nữ đã dẫn đến việc thiếu hụt cô dâu cho các nam giới đến tuổi trưởng thành muốn kết hôn. Thậm chí, để cưới được một cô gái ở Trung Quốc, nhà trai phải tốn rất nhiều tiền. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn nạn lừa gạt, bắt cóc để bán cô dâu sang các địa bàn vùng nông thôn, vùng núi hẻo lánh ở Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Ở nhiều vùng nông thôn của Trung Quốc, nhiều bé gái đã bị bắt đi từ bé để bán cho những gia đình cần có con dâu trong tương lai. Họ mua về và nuôi cho bé gái lớn lên rồi cho kết hôn với con mình.
Không chỉ có những cô gái ở vùng nông thôn Trung Quốc, không ít những cô gái ở quốc gia khác tới Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cũng trở thành đối tượng của bọn buôn người.
Theo tiến sĩ Hoàng Tú Anh, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhà nước cần tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, có chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục, việc làm; tư vấn kỹ các trường hợp phá thai để đảm bảo đó không phải là phá thai lựa chọn giới tính.
Sự đối xử bất bình đẳng giữa các giới có hậu quả xã hội rộng lớn vượt ra ngoài những bất công cá nhân. Khi thiếu phụ nữ, xung đột bạo lực sẽ xảy ra. Sự “vắng mặt” của họ là do các chuẩn mực phủ nhận quyền bình đẳng của phụ nữ và thường khó thay đổi, cũng như sự phát triển nhân khẩu học diễn ra trong nhiều thập kỷ.
Thực tế là những hiện tượng như vậy xảy ra ở cả các nước phát triển và đang phát triển cho thấy các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách nên chú ý đến các mối quan hệ giới và gia đình không chỉ như một đấu trường cho các cuộc chiến về sự đối xử bình đẳng mà còn là cơ sở cho hòa bình trong xã hội.
Tiến sĩ Hoàng Tú Anh cho biết, trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới có nghĩa là cả phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ trách nhiệm tránh thai, cùng tham gia vào quyết định về mang thai bao gồm cả các quyết định về hỗ trợ sinh sản hay đình chỉ thai, được hỗ trợ để đi khám thai định kỳ, tiếp cận dịch vụ sinh đẻ an toàn; chia sẻ trách nhiệm trong chăm sóc trẻ sau khi sinh ra.
Bên cạnh đó, phụ nữ và nam giới cũng được hỗ trợ để thực hiện các biện pháp thăm khám sàng lọc ung thư đường sinh sản. Quan hệ tình dục cần dựa trên sự đồng thuận, tôn trọng và đảm bảo an toàn.