Số lượng bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày hành tá tràng tăng đáng kể trong và sau các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Nguyên Đán do chế độ ăn uống và những thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Tuy nhiên, nó thường bị xem nhẹ, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Viêm loét dạ dày hành tá tràng là căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở cả nam và nữ, tập trung ở người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa trong thời gian gần đây.
Cơ chế gây viêm loét dạ dày hành tá tràng là do sự tăng tiết quá mức của axit dịch vị, axit dịch vị sẽ trực tiếp gây nên tổn thương lên niêm mạc dạ dày, sau đó gây nên bệnh cảnh, triệu chứng trên lâm sàng.
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh có thể chữa được hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu bệnh không được chữa trị kịp thời, các vết loét có thể tiến triển sâu và nhiều hơn. Người bệnh sẽ có nguy cơ cao đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của bệnh, gồm:
– Hẹp môn vị
– Thủng dạ dày
– Xuất huyết tiêu hóa
– Ung thư dạ dày
Biểu hiện của bệnh
– Bệnh nhân thường có cảm giác đau bụng vùng thượng vị, cảm giác đầy tức, nóng rát. Cảm giác đau có thể âm ỉ liên tục hoặc trội thành cơn và khiến cho bệnh nhân rất khó chịu.
– Ợ hơi, ợ chua kéo dài, nếu tình trạng không được điều trị kịp thời mà kéo dài sẽ dẫn đến trào ngược vùng hầu họng thanh quản và khiến cho bệnh nhân có hiện tượng ho kéo dài.
– Buồn nôn hoặc nôn.
– Đầy bụng, khó tiêu, ăn cảm giác nhanh no.
Cách phòng tránh viêm loét dạ dày hành tá tràng
Theo Sở y tế Hà Giang bệnh viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến ăn uống, lao động, sinh hoạt của người bệnh, nặng hơn nữa là ung thư dạ dày. Để phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu; hạn chế sử dụng các chất kích thích, thức ăn chiên xào, đồ mặn; không sử dụng gia vị cay quá mức, ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá chua.
- Bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các loại rau xanh có màu đậm để cung cấp nguồn vitamin A,C,K, sắt… như bắp cải, cải xanh, măng tây…
- Sử dụng các thuốc có nguy cơ gây viêm dạ dày đúng theo chỉ định của bác sỹ, đúng liều lượng, đúng thời điểm.
- Khi có các biểu hiện đau tức thượng vị, ợ hơi, ợ chua…nên đi khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị đúng cách, không nên tự ý dùng thuốc để tránh các biến chứng của bệnh.