Gần đây, YouTube Shoping chính thức xuất hiện tại Việt Nam. Tính năng này là giải pháp bán hàng của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Google không tự kinh doanh mà kết hợp với đối tác theo khu vực. Ở thị trường Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Shopee là bên ký kết độc quyền.
Tính năng tương tự cũng xuất hiện trên Facebook gần đây. Một số người dùng nhìn thấy đường dẫn mua hàng Shopee hiển thị trực tiếp dưới bài đăng. Meta cũng vừa cập nhật lại giao diện bán hàng trên livestream tại Việt Nam, tương tự TikTok Shop.
Nước đi này của Shopee nhắm đến hình thức Shoppertainment mà đối thủ chính của họ đang dẫn trước. Bằng cách bắt tay với nền tảng mạng xã hội khác, sàn này có thêm lợi thế cạnh tranh.
Tình trạng của Shopee
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường YouNet ECI, Shopee vẫn dẫn đầu về thị phần TMĐT Việt Nam với hơn 71%, bỏ xa TikTok Shop (22%). Ứng dụng cũng có lượng truy cập tự nhiên cao nhất trong các nền tảng bán hàng với khoảng 172 triệu mỗi tháng. Các dữ liệu cho thấy sự áp đảo của Shopee so với đối thủ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, TikTok Shop đang trở thành mối đe dọa cho ứng dụng thuộc Sea Group, khi tăng trưởng nhanh tại Việt Nam trong hai năm gần đây, vượt qua cả Tiki, Lazada về tổng giá trị đơn hàng. Một trong những thành công của sàn này là kết hợp lợi thế từ TikTok, phổ cập mô hình Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).
Shopee cũng gia nhập cuộc đua bằng cách ra mắt chức năng video, livestream trên ứng dụng. Trao đổi với Tri Thức - Znews, đại diện Minet, đơn vị chuyên vận hành các buổi phát sóng của người nổi tiếng như trên sàn TMĐT, cho rằng mô hình kết hợp giải trí - mua sắm là xu thế chung tại nhiều nước châu Á, gồm cả Việt Nam.
“Chỉ số doanh thu, lượt xem là dẫn chứng rõ ràng. Gần đây, phiên phát sóng của Trấn Thành kéo dài 4 giờ trên Shopee do chúng tôi thực hiện, có khoảng 190.000 người xem đồng thời, hơn 70.000 khách mua. Nhiều người nổi tiếng cũng rất hào hứng và muốn tham gia vào mô hình này”, phía Minet chia sẻ.
Tuy nhiên, để đạt được thành tích như trên, thường cần sự xuất hiện của nhân vật có sức ảnh hưởng. Đồng thời, sàn TMĐT, nhãn hàng phải tung nhiều voucher, giảm giá. Việc tổ chức các phiên phát sóng chuyên nghiệp như vậy không phải chủ shop nào cũng có thể thực hiện.
Ngoài đợt khuyến mãi, video của người bán trên Shopee có lượng người xem khiêm tốn, ít tương tác.
"Những buổi phát sóng có người nổi tiếng, nhiều nội dung tôi còn xem được lâu chứ kiểu bán hàng bình thường khá chán. Tôi chỉ vào lấy voucher giảm giá chứ không xem lâu", Hà My, người dùng ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM chia sẻ.
Shopee cần Facebook, YouTube
Các nền tảng TMĐT thường tìm cách ngăn chặn đối thủ tiềm tàng từ sớm. Temu, hiện xếp thứ 2 về thị phần tại Mỹ với 2,3%, thua xa Amazon. Tuy nhiên, công ty được sáng lập bởi tỷ phú Jeff Bezos đã nhanh chóng có động thái dè chừng, ra mắt các tính năng giống đối thủ để không mất người dùng.
Tương tự, mô hình Shoppertainment của Shopee cũng nhanh chóng được ra mắt vào cuối 2023. Tuy nhiên, bước đi này chưa thể hiện được hiệu quả khi TikTok Shop vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Theo ông Đỗ Quang Huy, Thạc sĩ chuyên ngành TMĐT, vấn đề nằm ở thói quen sử dụng của khách hàng. “Shopee được định vị là app bán hàng. Người dùng vào ứng dụng thường đã có sẵn mục đích mua sắm hoặc săn khuyến mãi. Khách trên các buổi livestream cũng từ nhóm này, chứ không phải tập mới”, ông Huy cho biết.
Theo vị này, khác biệt của TikTok Shop ở việc được tích hợp vào nền tảng chia sẻ video giải trí. Nó tiếp cận đến nhóm đang không có sẵn ý định mua sắm, thiết lập lại hành vi tiêu dùng. Do vậy, Shopee cần đến các mạng xã hội có lượng truy cập lớn tại Việt Nam, để tạo lợi thế cạnh tranh trực tiếp.
Theo dữ liệu từ Decision Lab, Facebook và YouTube là 2/3 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, mức độ phổ biến của TikTok chỉ ở mức 66%, thua xa ứng dụng của Meta, Google.
Bằng việc bắt tay với Facebook và YouTube, Shopee có thêm công cụ để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng đang thuộc về đối thủ. Tuy nhiên so với TikTok, vốn sở hữu nguồn truy cập nội sinh từ nền tảng, Shopee lại phụ thuộc đối tác, phải trả tiền theo dạng tiếp thị liên kết cho từng món hàng bán thành công.