Bão Milton đã đạt đến ngưỡng sức mạnh tối đa được biết đến vào đêm 7/10, với sức gió giật lên tới 322 km/h. Sức mạnh khủng khiếp của cơn bão này - cơn bão mạnh thứ hai từng được ghi nhận ở vịnh Mexico - đã thúc đẩy những lời kêu gọi chỉ định đây một cơn bão cấp 6 mới.
Nhà khí tượng học Noah Bergren của Florida cho biết đây "không gì khác ngoài thiên văn học" khi Milton đạt tốc độ gió liên tục 290 km/h và "giật mạnh hơn 322 km/h".
"Tôi không còn biết dùng từ ngữ nào để mô tả cho bạn về mặt khí tượng học của mắt bão cũng như cường độ của nó. Cơn bão này đang tiến gần đến giới hạn toán học mà bầu khí quyển Trái Đất trên vùng nước đại dương này có thể tạo ra", ông Bergren nói.
Thang đo mới
Sau khi hình thành và tăng cấp "thần tốc" lên thành bão cấp 5, hôm 8/10, Milton đã bị hạ cấp xuống cấp 4 sau khi tấn công bán đảo Yucatan của Mexico. Nhưng đến tối 8/10, bão nhanh chóng mạnh lên thành cấp 5 khi di chuyển về phía bờ biển vịnh Florida, khiến hàng triệu sinh mạng có thể gặp nguy hiểm.
Sau khi hình thành ở vịnh Mexico, Milton nhanh chóng tăng tốc từ một cơn bão nhiệt đới với sức gió 90 km/h vào sáng 6/10 thành một cơn bão cấp 5 chết người vào ngày 7/10 với sức gió duy trì ở mức 290 km/h. Quá trình bão gia tăng sức mạnh lên gấp ba lần này diễn ra chỉ trong 36 giờ.
USA Today đưa tin nếu cơn bão đạt sức gió 300 km/h, nó sẽ vượt qua ngưỡng hiếm hoi mà chỉ có 5 cơn bão đạt được kể từ năm 1980.
Cường độ đặc biệt của bão đã thúc đẩy một số nhà khí tượng học kêu gọi mở rộng thang gió bão Saffir-Simpson để đưa thêm cấp 6 mới vào thang đo này.
Mặc dù không có danh mục chính thức nào như vậy, giáo sư Michael E. Mann đã đăng trên X rằng: "Milton thực sự có thể đã vi phạm ngưỡng giới hạn 'Cat 6' 300 km/h".
Michael Wehner, nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, và Jim Kossin, nhà khoa học liên bang đã nghỉ hưu và cố vấn khoa học tại First Street Foundation, là đồng tác giả của một nghiên cứu được công bố đầu năm nay để tìm hiểu xem liệu có nên thiết lập một thang đo mới cho bão hay không
Họ viết: "Chúng tôi thấy rằng một số cơn bão gần đây đã đạt đến cường độ giả định của cấp 6 và dựa trên nhiều bằng chứng độc lập kiểm tra tốc độ gió cực đại mô phỏng và tiềm năng cao nhất, nhiều cơn bão như vậy sẽ được dự đoán khi khí hậu tiếp tục ấm lên".
Có cần thiết không?
Tuy nhiên, nhà khí tượng học Mike Rawlins của Fox Weather đã nói với The New York Post rằng một thang đo mới là "không cần thiết" và thang đo Saffir-Simpson vẫn là tiêu chuẩn vàng để đo bão.
"Có những phong trào trong lĩnh vực khí tượng kêu gọi loại bỏ thang đo cũ và tạo ra một phương pháp mới để đo cường độ bão vì nước dâng và lũ quét thường gây ra nhiều thiệt hại hơn gió. Nhưng tôi không biết có bất kỳ công trình nào đang được tiến hành vào thời điểm này", ông nói.
Robert Simpson, người đồng sáng tạo ra thang đo sức gió Saffir-Simpson, đã nói vào năm 1999 rằng việc tạo ra khái niệm về một cơn bão cấp 6 sẽ "không quan trọng" vì những thiệt hại cực lớn đối với con người và các tòa nhà đã xảy ra trong những cơn bão cấp 5.
Milton là cơn bão Đại Tây Dương mạnh thứ tư được ghi nhận theo áp suất khí quyển - một thước đo cường độ bão - với áp suất khí quyển trung tâm là 897 milibar. Theo Miami Herald, chỉ có 5 cơn bão có chỉ số này dưới 900 theo ghi chép chính thức trong hơn 170 năm qua.
Sự nóng lên toàn cầu khiến bão trở nên nguy hại hơn bằng cách cung cấp những yếu tố cần thiết để chúng mạnh lên, bao gồm nhiệt độ bề mặt biển ấm và độ ẩm cao trong khí quyển.
Climate Central đăng trên X hôm 7/10: "Các đại dương ấm lên vì biến đổi khí hậu do con người gây ra đang thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn".
Khi bão hình thành, nước ấm và các điều kiện khí quyển thích hợp sẽ đóng vai trò như nguồn năng lượng bổ sung, giúp cơn bão tăng tốc và mạnh mẽ hơn trên đường đi của nó. Vì bầu khí quyển ấm hơn cũng có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, khiến các cơn bão có khả năng đổ lượng mưa lớn xuống đất liền. Do đó, các cơn bão do biến đổi khí hậu có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng hơn và có sức tàn phá kinh khủng.