Mới phát sóng được 19/80 tập, Gạo nếp gạo tẻ đã trở thành cơn sốt trên các trang mạng xã hội. Hàng loạt trích đoạn phim được chia sẻ rộng rãi cùng hàng nghìn bình luận khen, chê, bức xúc...
Trên các diễn đàn phim ảnh, tình tiết bộ phim luôn là chủ đề nóng để bàn tán, dự đoán. Tập phim trực tuyến đầu tiên bất ngờ đạt 7,1 triệu view chỉ sau 3 tuần đăng tải cũng là dấu hiệu rõ ràng cho sự quan tâm "khủng" của khán giả Việt dành cho bộ phim.
Chế biến từ 'kim chi' sang cà pháo, mắm tôm
Ngay từ tập đầu tiên, khán giả đã bức xúc khi nhận thấy sự phân biệt đối xử, trọng giàu khinh nghèo của bà Mai (NSND Hồng Vân) với hai con là Hương (Lê Phương) và Hân (Thúy Ngân).
Hân được mẹ cưng chiều vì lấy chồng giàu có. Trong khi đó, Hương đi làm ca đêm về vẫn phải vào bếp chuẩn bị đám giỗ trong lời chì chiết đay nghiến của chính mẹ ruột.
Hàng loạt tình tiết sau đó khiến người xem bức xúc vì cách cư xử không có tình, không có lý của nhân vật. Nhiều khán giả cho rằng tình tiết của phim bị cường điệu hoá lên với những nhân vật một chiều, không thực tế.
Người xem cho rằng ngoài đời thực không có người vợ nào quá quắt như Hân, chồng vừa phá sản lập tức tìm cách đòi chị gái đưa một tỷ đồng để đảm bảo cuộc sống như một bà hoàng. Và cũng hiếm có người chị nào hiền lành, nhu nhược như Hương, dù bị mẹ ruột hắt hủi, đay nghiến nhưng vẫn một mực im lặng và chỉ biết khóc.
Cộng đồng mạng muốn “phát điên” với Kiệt. Anh luôn nhẫn nhịn, kiên trì xin lỗi dù vợ và mẹ vợ là người thay đổi cách cư xử 180 độ khi biết anh phá sản.
Bản thân Thúy Ngân cũng công nhận: “Trong cuộc sống, tôi thấy có quá nhiều người như Hân, khi chồng sa cơ là bỏ đi lấy người khác. Tuy nhiên lên phim thì mọi việc được xây dựng hơi quá một chút”.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ xoáy vào mâu thuẫn của một mối quan hệ nhất định, Gạo nếp gạo tẻ là bức tranh đủ màu sắc với những mâu thuẫn cùng bi kịch của nhiều mối quan hệ như mẹ chồng và nàng dâu, con yêu - con "ghẻ", chuyện làm dâu, tình nghĩa vợ chồng...
Xem phim, khán giả dường như nhìn được những câu chuyện chính bản thân họ từng trải qua hoặc từng xuất hiện xung quanh cuộc sống.
Một điểm cộng khác cho bộ phim đó là đã "gột sạch" được “kim chi". Được Việt hoá từ kịch bản nổi tiếng của Hàn Quốc, Wang’s Family, nhưng Gạo nếp gạo tẻ có thể coi như phiên bản khá độc lập. Bản phim của Việt Nam đã được khéo léo thay đổi nhiều chi tiết, đặc biệt là về văn hoá và lời thoại, khiến người xem không còn thấy rõ dáng dấp của bộ phim gốc.
Ví dụ điển hình như cách xử lý mâu thuẫn giữa Hân và Hương. Bất hòa của cặp chị em bản Việt được thể hiện bằng cách đối xử của bà Mai và sự nhẫn nhịn của Hương thay vì những màn tranh cãi gay gắt với đoạn thoại có phần “sến sẩm” ở phiên bản Hàn.
"Gạo nếp gạo tẻ được chế biến từ mùi vị kim chi sang cà pháo, mắm tôm đặc trưng riêng của Việt Nam", biên kịch Hoàng Anh của bộ phim chia sẻ.
Dàn diễn viên toả sáng đều
Bộ phim quy tụ dàn diễn viên được đánh giá là đồng đều và sáng giá. NSND Hồng Vân, Lê Phương, Hoàng Anh, Trung Dũng là những tên tuổi gạo cội với khả năng diễn xuất không cần bàn cãi. Ngoài ra, những gương mặt mới như Thúy Ngân, Phương Hằng đã phần nào chinh phục được khán giả qua màn thể hiện ổn định.
Trước vai diễn Hân, Thúy Ngân tuy đã tham gia diễn xuất ít nhiều nhưng chưa thật sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Với hình ảnh cô vợ đanh đá và tham của, Thúy Ngân đã thành công trong việc hóa thân thành “cô con dâu bị ghét nhất màn ảnh Việt” và ghi điểm trong lòng khán giả.
Cô từng tiết lộ đã nhận được hàng loạt tin nhắn bức xúc từ khán giả. Trên trang cá nhân, nhiều khán giả vì ảnh hưởng bởi cảm xúc sau khi xem phim cũng để lại bình luận ác ý nhắm đến cô.
Sau 19 tập phát sóng, những gương mặt mới Quốc Trường, Băng Di, Phương Hằng cũng khiến khán giả bất ngờ. Lứa diễn viên trẻ của Gạo nếp gạo tẻ không những nhập vai tốt mà còn “thoát” được cái bóng do lối diễn xuất của nhân vật trong phiên bản gốc của Hàn Quốc để lại.
Một thời gian dài, khán giả đã có thể vui mừng với phim truyền hình Việt khi đã vượt qua thời kỳ gây ngán ngẩm bằng hàng loạt phim truyền hình “mì ăn liền”.
Sau Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử, lại có thêm một kịch bản Việt hoá chinh phục khán giả Việt. Nhiều khán giả tự hỏi tiếp theo sẽ mất bao lâu để một kịch bản thuần Việt tạo nên được sự hài lòng cho người theo dõi như những gì các bộ phim chuyển thể đang làm?