Thị trường chứng khoán đã sụt giảm vào tháng 9 nhưng nhìn chung vẫn tăng giá trong cả năm 2020. Theo The Economist, tuy ít được chú ý hơn, bất động sản cũng là một thị trường không kém phần nổi bật. Nhiều quốc gia giàu có đang chứng kiến giá nhà ở tăng vọt bất chấp làn sóng Covid-19 thứ hai.
Trong quý II/2020, giá nhà ở tăng lên ở 8 trên tổng số 10 quốc gia có thu nhập cao và trung bình. Theo một số dữ liệu không chính thức, giá nhà tại Anh đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng 8, trong khi giá nhà ở Mỹ và Đức tăng lần lượt 5% và 11% so với một năm trước đó.
Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, chính quyền sở tại phải thắt chặt các quy định đối với người mua khi tốc độ tăng giá nhà đất quá nhanh.
Lãi suất giảm
Giống với thị trường chứng khoán, giá nhà được hỗ trợ bởi những chính sách nới lỏng tiền tệ của các chính phủ. Những khoản thanh toán thế chấp sụt giảm. Cùng với đó, lãi suất giảm cũng khiến việc đầu tư địa ốc trở nên hấp dẫn hơn vì lợi nhuận của các tài sản rủi ro lao dốc.
Bên cạnh đó là các chính sách kinh tế khác như gói hỗ trợ thu nhập, giãn nợ giúp người lao động thất nghiệp không phải bán nhà. Nhật Bản đã yêu cầu các ngân hàng hoãn thu nợ gốc, trong khi Hà Lan tạm cấm tịch biên tài sản. Riêng tại Anh, số tài sản bị tịch thu giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, khi nhân viên văn phòng làm việc tại nhà nhiều hơn, họ sẽ muốn một không gian thoải mái và tiện nghi hơn.
Những tác động của đại dịch đối với bất bình đẳng cũng khiến giá cả tăng vọt. Ở Mỹ, tỷ lệ cho vay dành cho những khách hàng giàu có đang tăng lên. Tại Anh, sự bùng nổ giá nhà dường như được thúc đẩy bởi cuộc chiến giữa các khách hàng đã từng mua nhà, chứ không phải những người mua lần đầu.
Nhà ở là loại tài sản lớn hơn cổ phiếu. Thị trường chứng khoán bùng nổ dẫn đến những lời chỉ trích về sự giàu có ngày càng gia tăng của các tỷ phú. Trong khi đó, giá nhà tăng cao cũng khiến một nhóm người mua chật vật với mức trả trước cao hơn.
Hệ quả lâu dài
Theo The Economist, cuộc bùng nổ giá nhà có thể hạ nhiệt khi sự hỗ trợ của các chính phủ đối với nền kinh tế giảm. Tuy nhiên, tác động của đại dịch lên lãi suất trong dài hạn vẫn khó thay đổi, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng đối với những ngôi nhà rộng rãi hơn.
Vậy nên, giá nhà tăng cao có thể là một hệ quả lâu dài của dịch Covid-19. Điều này sẽ làm sâu sắc hơn sự căng thẳng thế hệ đã xuất hiện từ những năm 2010.
Trong những năm 2010, các chính trị gia đã thất bại trong việc chấm dứt đà tăng của giá nhà đất. Họ thường giải quyết bằng cách trợ cấp cho việc mua nhà. The Economist cho rằng điều chính phủ nên làm là cắt giảm thuế trước bạ càng nhiều càng tốt. Bởi chúng làm méo mó thị trường nhà đất.
Tuy nhiên, sẽ rất khó, thậm chí không thể, ngăn cản việc tăng giá nhà về lâu dài do lãi suất thấp và sự thay đổi nhu cầu của các hộ gia đình. Thay vào đó, những nhà hoạch định chính sách nên làm giảm nỗi ám ảnh của người dân đối với việc sở hữu tài sản.
Chẳng hạn, theo The Economist, có thể tạo ra một khu vực cho thuê được quản lý chặt chẽ, loại bỏ các khoản trợ cấp đối với việc sở hữu nhà và nới lỏng hạn chế về quy hoạch...
Thuế đánh vào giá trị tài sản, nhất là giá đất, cũng sẽ tăng lên. Những khoản thu như vậy còn là một cách hiệu quả giúp bù đắp thâm hụt ngân sách.
Ở một khía cạnh nào đó, mức độ tăng trưởng giá nhà thể hiện niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sự tương phản giữa giá nhà và điều kiện lao động hiện tại sẽ khiến cuộc sống của nhiều người lao động khốn đốn hơn.