Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với NTH (16 tuổi, ngụ ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với cha ruột của H về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Theo điều tra ban đầu, chiều 16-12, H điều khiển mô tô trên 50 phân khối chở theo một người khác lưu thông trên đường thì va chạm với mô tô do một phụ nữ điều khiển chạy cùng chiều. Hậu quả làm người phụ nữ bị thương nặng, được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Từ vụ án này nhiều bạn đọc thắc mắc là tại sao con gây tai nạn, cha cũng bị khởi tố?
Trả lời vấn đề trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết pháp luật không chỉ đặt ra trách nhiệm đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông mà còn xử lý cả hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Pháp luật cũng không loại trừ người giao phương tiện là cha mẹ của người tham gia giao thông.
Về chế tài, ở mức độ nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Vì vậy, việc cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.
Ở mức độ nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, điều luật này quy định: người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;... thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Vì vậy, việc cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển gây tai nạn làm chết người có thể bị truy cứu về tội trên.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự vẫn sẽ được áp dụng trong những trường hợp có hành vi phạm pháp luật nêu trên. Theo đó, tại khoản 2 Điều 586 BLDS 2015 quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, quản lý con cái, tuyệt đối không giao xe cho con, em khi chúng chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.