Các nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau cho thấy vaccine bất hoạt của Trung Quốc có thể kém hiệu quả hơn so với các loại vaccine khác nhưng cung cấp khả năng bảo vệ con người khỏi bệnh nặng hoặc tử vong.
Thực tế và lý thuyết?
Giữa những nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc, một số quốc gia đã có sự dao động trong quyết định nên sử dụng hay không một loại vaccine nào đó?
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, việc duy trì sử dụng vaccine bất hoạt được WHO cấp phép thực tế đã giúp bảo vệ người dân và khuyến cáo các quốc gia cần sử dụng chúng trong giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm hiện nay.
Những ngờ vực gần đây đã được làm rõ hơn nhờ một số kết quả nghiên cứu mới nhất từ thực tế các quốc gia triển khai tiêm vaccine Covid-19, nơi các biến thể Delta và Gamma phổ biến.
Các nhà nghiên cứu kết luận, vaccine Trung Quốc kém hiệu quả hơn các loại vaccine khác, nhưng vẫn cung cấp khả năng bảo vệ có giá trị chống lại bệnh tật nặng hoặc tử vong.
Các chuyên gia cho rằng, những vaccine Trung Quốc - đã được WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp - rất đáng để các nước có nhu cầu sử dụng.
Một nghiên cứu ở Bahrain, được công bố vào tháng trước (trước khi đánh giá đồng cấp) đã so sánh 4 loại vaccine Covid-19, bao gồm: Vero Cell của nhà sản xuất Sinopharm, AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Sputnik. Nghiên cứu cho thấy, vaccine Sinopharm mặc dù có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong, nhưng hoạt động không hiệu quả bằng các loại khác, đặc biệt là đối với những người trên 50 tuổi.
Đối với những người trong độ tuổi đó có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, tỷ lệ tử vong là 1,53% đối với những bệnh nhân được tiêm vaccine Sinopharm, 0,79% đối với những người được tiêm Sputnik V của Nga, 0,69% đối với những người được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và bằng không đối với những người được tiêm thuốc chủng ngừa AstraZeneca.
Tỷ lệ nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) là 1,7% đối với Sinopharm, 0,23% đối với Pfizer-BioNTech, 0,17% đối với AstraZeneca và 0% đối với Sputnik.
Tại Brazil, nơi mà biến thể Gamma phổ biến, một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên mẫu là 76 triệu người đã được tiêm chủng, cho thấy, vaccine AstraZeneca cung cấp khoảng 90% hiệu quả chống nhập viện, nhập viện ICU và tử vong, trong khi vaccine Sinovac cũng do một nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp khoảng 75% sự bảo vệ như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt về hiệu quả vaccine có thể là do các công nghệ sản xuất khác nhau, phương pháp kích hoạt cơ chế miễn dịch của cơ thể khác nhau. Các công ty Trung Quốc Sinopharm và Sinovac đều sử dụng công nghệ truyền thống tạo ra vaccine bất hoạt, trong khi các vaccine khác sử các công nghệ mới hơn như vector, mRNA...
Một nghiên cứu ở Chile vừa được công bố trong tháng này, trên Tạp chí Y học New England cho thấy, vaccine CoronaVac (của Sinovac) có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh 65,9%, nhập viện 87,5%, nhập viện ICU 90,3% và tử vong 86,3%.
Chính phủ Chile tháng trước cũng đã công bố một báo cáo cho thấy CoronaVac có hiệu quả 58,5% đối với bệnh có triệu chứng, trong khi Pfizer-BioNTech là 87,7% và 68,7% đối với AstraZeneca.
Tuy nhiên, theo Zheng Zhongwei, quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc, những so sánh như vậy có thể không phải lúc nào cũng công bằng đối với vaccine bất hoạt.
Chuyên gia này cho biết, khả năng miễn dịch của tất cả vaccine Covid-19 suy giảm sau 3 tháng và ở một số quốc gia, vaccine bất hoạt đã được sử dụng "2 hoặc 3 tháng" trước đó, trước khi các loại vaccine khác xuất hiện.
“Tôi không muốn nói loại vaccine nào cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn nhưng tôi hy vọng điều này có thể được nhìn nhận một cách khoa học hơn", Zheng nói.
Trong khi đó, theo quan điểm của WHO, cũng không thể so sánh các loại vaccine trực tiếp với nhau, vì các phương pháp tiếp cận khác nhau sẽ cho ra các nghiên cứu khác nhau. Cơ quan này cho biết, tất cả các loại vaccine mà họ đã phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh Covid-19 nghiêm trọng.
Các chuyên gia đang lên tiếng kêu gọi các nghiên cứu kết hợp khẩn cấp các vaccine bất hoạt khác, đồng thời chỉ ra rằng, đối với khả năng bảo vệ đang suy yếu của vaccine Covid-19, có thể sẽ cần phải tiêm nhắc lại.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo, họ sẽ cung cấp liều thứ ba vaccine bất hoạt như một liều thuốc tăng cường cho người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Tại UAE, Bahrain, Indonesia và Brazil, vaccine mRNA hoặc vector virus đã được tiêm cho người cao tuổi và nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Phó giáo sư Hsu Li Yang, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá tất cả các vaccine được WHO phê duyệt đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa Covid-19 nghiêm trọng và tử vong, trong khi vaccine bất hoạt dường như không thua kém đáng kể.
“Hiệu quả lâu dài là không chắc chắn đối với tất cả các loại vaccine”, Hsu nói thêm. Theo đó, trong giai đoạn này, các quốc gia nên triển khai những gì họ có, thay vì chờ đợi vaccine mRNA hoặc vector virus.
Trong khi đó, Jin Dongyan, nhà virus học từ Đại học Hong Kong, cho rằng, các quốc gia có thu nhập thấp đang cần vaccine không nên từ chối các mũi vaccine bất hoạt. “Nếu họ được cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech thì thật tuyệt, nhưng Sinovac và Sinopharm vẫn hữu ích”, Dongyan nói.
Còn “đối với những quốc gia không có điều kiện tiếp cận với các loại vaccine khác, cách tốt vẫn là có Sinopharm hoặc Sinovac. Nó không phải là lý tưởng, nhưng tốt hơn là không có vaccine”, chuyên gia Jin Dongyan tư vấn.
Cập nhật mới nhất về tính an toàn, hiệu quả của vaccine Sinopharm
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc không làm tăng nguy cơ huyết khối hoặc giảm tiểu cầu ở người được tiêm.
Các dữ liệu thực tế mới nhất của Argentina cho thấy, vaccine này có hiệu quả bảo vệ khỏi tử vong 84% ở những người từ 60 tuổi trở lên, theo một tuyên bố từ Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG).
Trích dẫn một nghiên cứu được công bố vào ngày 27/7 trên Tạp chí Science Bulletin, Sinopharm cho biết, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh của các kháng thể đặc hiệu SARS-CoV-2 là 95,81% trong 4 tuần, sau khi chủng ngừa bằng vaccine Sinopharm. Không có đối tượng nào bị huyết khối tự phát hoặc giảm tiểu cầu trong thời gian theo dõi tối thiểu là 8 tuần và không có thay đổi về khả năng kháng thể hoặc các biểu hiện lâm sàng không thuận lợi.
Nghiên cứu trên được thực hiện trên 406 nhân viên y tế được tiêm hai liều, cách nhau 21 ngày, tại Bệnh viện Ruijin Thượng Hải. Họ được theo dõi từ ngày 14/1 đến ngày 10/3, với thời gian theo dõi tối thiểu là 8 tuần.
Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng được đặc trưng bởi các cục máu đông nguy hiểm và số lượng tiểu cầu thấp sau khi sử dụng vaccine Covid-19, như AstraZeneca đã được báo cáo trên toàn cầu và thu hút sự chú ý. Vì vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã tiến hành nghiên cứu này để tìm hiểu liệu vaccine Sinopharm có dẫn đến các vấn đề tương tự hay không.
Các loại vaccine Trung Quốc được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở 98 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã được các tổ chức quốc tế bao gồm WHO công nhận.
Một tuyên bố mới đây nhất từ CNBG về hiệu quả đối với nhóm người cao tuổi, vaccine Sinopharm đã chứng minh tỷ lệ bảo vệ tử vong nói chung là 84% ở những người từ 60 tuổi trở lên ở Argentina, dựa trên nhóm dữ liệu nghiên cứu gần 150.000 người. Tỷ lệ này là 80,2% ở nhóm tuổi 60-69, 88,3% ở nhóm tuổi 70-79 và 77,6% ở những người trên 80 tuổi.
CNBG cũng công bố, mũi vaccine đầu tiên có thể mang lại hiệu quả bảo vệ khỏi tử vong là 61,6% cho những người từ 60 tuổi trở lên.
Ngoài ra, chỉ có 1.866 trường hợp tác dụng phụ được báo cáo, sau khi hơn 4 triệu mũi Sinopharm đã được tiêm.