Ngộ độc vì tùy tiện dùng rượu ngâm
Tự ngâm rượu thuốc để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe đang trở thành trào lưu từ thành thị tới nông thôn. Tuy nhiên, việc ngâm rượu với đủ loại nguyên liệu từ côn trùng, sâu bọ, động vật cho đến các loại rễ cây, củ quả đã khiến không ít người... rước họa vào thân.
Nhiều người quan niệm rằng "ăn gì bổ nấy", tuy nhiên, các bác sĩ đông y cho rằng, việc tự ý sử dụng các loại rượu ngâm rất nguy hiểm, các loại thảo dược chỉ phù hợp với các đối tượng sử dụng nhất định. Vậy nên nếu không biết cách chế biến và sử dụng hợp lý thì rượu ngâm sẽ trở thành "rượu độc".
Thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước không chỉ ghi nhận những trường hợp ngộ độc rượu pha cồn methanol, các loại rượu không rõ nguồn gốc mà các cơ sở y tế còn tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc các loại rượu ngâm rễ cây, củ quả...
Điển hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận hai bệnh nhân trong một gia đình bị ngộ độc do uống nhầm rượu ngâm củ ấu tàu. Sau một giờ, bệnh nhân có các biểu hiện như nôn nhiều, tê lưỡi… Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là bị ngộ độc aconitin với tình trạng rối loạn nhịp tim nặng.
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận hai bệnh nhân cứu trong tình trạng tổn thương não do uống rượu rễ cây để điều trị xương khớp.
Có thể thấy rằng, dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng tình trạng người dân ngâm rượu với nhiều loại rễ, củ cây rừng vẫn diễn ra phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Rượu ngâm phải dùng như thuốc
Theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kiêm Phó Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, về cơ bản, rượu ngâm các loại thảo dược được sử dụng điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau. Trong y học cổ truyền, hiện có hơn 100 các loại rượu thuốc ngâm khác nhau với các công dụng như là chữa đau nhức xương khớp, hỗ trợ giấc ngủ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường sinh lực nam giới…
Đặc điểm của rượu thuốc là sử dụng như các loại thuốc và được tích lũy dần vào cơ thể. Thuốc ngấm cùng với sự kích thích của rượu sẽ có tác dụng hiệu quả rất tốt.
"khi sử sụng, người bệnh lưu ý là chỉ dùng một lượng rất nhỏ vì rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định của bác sĩ đông y cùng với liều lượng nhất định".
Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM nhấn mạnh: "khi sử sụng, người bệnh lưu ý là chỉ dùng một lượng rất nhỏ vì rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định của bác sĩ đông y cùng với liều lượng nhất định".
Điều đáng nói, trên thực tế rất nhiều người bệnh sau khi sử dụng rượu thuốc thấy mang lại hiệu quả lại thản nhiên mang các loại rượu ngâm để mời người khác sử dụng. "Họ không biết rằng, rượu thuốc ngâm có thể phù hợp với người này nhưng lại có thể không phù hợp với người khác. Do đó, khi kê đơn, chúng tôi rất hạn chế sử dụng các loại rượu thuốc này bởi lo ngại bệnh nhân có thể lạm dụng", BS Ngọc Lan cho biết.
BS. Ngọc Lan khuyến cáo, thảo dược cũng là thuốc, trong các loại thảo dược sẽ có các hoạt chất khác nhau và có các loại độc tính nhất định mà người sử dụng không nắm rõ. Vậy nên, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ đông y.
Nếu người dân vẫn tự ý ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà như hiện nay thì tình trạng ngộ độc sẽ rất dễ xảy ra và gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dùng.
Theo Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, để an toàn khi sử dụng rượu ngâm, người dùng cần phải chú ý một số nguyên tắc. Cụ thể, khi ngâm rượu, mọi người phải sử dụng các loại rượu ngâm từ gạo, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) vì việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến nguy hại cho gan, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các nguyên liệu dùng để ngâm rượu từ động vật, thực vật, các loại thảo dược… phải do các bác sĩ đông y kê đơn và chỉ định, tuyệt đối không tự ý sử dụng rượu ngâm.