Nước rau má luôn là thức uống được ưu ái sử dụng trong danh sách các thức uống giải nhiệt cho ngày hè oi bức. Bởi lẽ, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) và có nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất có lợi cho sức khỏe như beta caroten – chất chống oxi hóa, sterols có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol... Các thành phần này đều có tác dụng dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hóa, sát trùng, tả lỵ, khí hư, mụn nhọt, rôm sảy... và chữa nhiều chứng bệnh về da.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu y học cũng cho thấy, rau má không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà còn mang lại nhiều công dụng vượt trội về sức khỏe và nhan sắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống nước rau má đúng cách và khi nào là tốt nhất cho sức khỏe, tránh gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể.
Nước rau má có gây hại cho cơ thể?
Nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ thường chọn nước rau má để thanh nhiệt vào mùa hè để xua tan nốt mụn đáng ghét và có được làn da mịn màng. Trong đó, hầu hết họ đều cho rằng uống càng nhiều càng tốt, càng giúp giải nóng nhanh, mụn nhọt nhanh biến mất. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Nếu bạn uống nước rau má hàng ngày, thậm chí là thay nước lọc, tầm 2-3 lít mỗi ngày, bạn sẽ gặp phải những nguy hiểm khó lường như bị đầy bụng, tiêu chảy... Thậm chí, nếu ăn rau má quá nhiều còn khiến tăng cholesterol, nhức đầu, giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thải.
Ngoài ra, cần chú ý không nên uống rau má với thuốc điều trị tiểu đường, thuốc hạ cholesterol, thuốc gây buồn ngủ, chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... vì nó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Do đó, uống nước rau má khi đang sử dụng một số loại thuốc này có thể gây họa cho tình trạng sức khỏe của bạn.
Bên cạnh đó, nhiều người còn có suy nghĩ sai lầm khi sử dụng rau má để uống khi bị nóng trong bụng, thường nguyên nhân là do khó tiêu. Thậm chí còn cho thêm đường để dễ uống rất dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân là do rau má có tính hàn, nếu bị đầy bụng, tiêu chảy thì nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, thậm chí là không nên dùng để tránh gây phản tác dụng. Đặc biệt, những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng bởi rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu
Uống nước rau má thế nào mới đúng cách?
"Uống nước rau má khi nào là tốt nhất?" là câu hỏi luôn được nhiều người quan tâm bởi lẽ không phải thời điểm nào uống loại nước éo này cũng có công dụng triệt để. Theo đó, bạn nên uống nước rau má vào buổi gần trưa hoặc trưa xế bởi thời điểm này cơ thể đang hoạt động và hấp thụ tốt nên nước rau má sẽ đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe và sắc đẹp. Ngoài ra, không nên uống rau má vào buổi tối vì có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nhẹ.
Bên cạnh đó, một ngày chỉ nên uống một cốc rau má (khoảng 40 gram rau má) nhưng không nên uống quá một tháng. Nếu muốn sử dụng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng tiếp bởi trong đông y rau má còn là một loại thảo dược, do đó nên dùng với một mức độ vừa phải để tránh các biến chứng cho một số tế bào máu, tế bào gan, tế bào thận.
Nếu bị yếu bụng muốn ăn rau má thì nên dùng với vài lát gừng để ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau. Khi ăn rau má hay ép nước thì cần phải đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn vì rau má mọc sát mặt đất, có khả năng bị nhiều vi khuẩn, thuốc trừ sâu… xâm nhập. Cạnh đó, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên hạn chế dùng loại rau này vì dễ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng khoảng 30g đến 40g rau má tươi, rửa sạch, giã nhuyễn hoặc xay nát bằng máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc, vắt bỏ hết xác. Thêm ít đường cát trắng, ít đá cho dễ uống và tăng thêm hương vị.