Đó là trường hợp của bé V.G.B. (16 tháng tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vì tình trạng nguy kịch.
BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp tím tái phải giúp thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút (bình thường 120 đến 140). Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương các cơ quan gan thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê.
Tại đây trước tình trạng viêm phổi nặng, các bác sĩ dù tích cực cứu chữa, hồi sức, lọc máu để cứu bệnh nhi nhưng tình hình vẫn không tiến triển.
Theo lời người nhà kể lại, bố bé đi làm thợ hàn, mẹ đi làm thuê, bé B. ở nhà với ông nội. Lang thang chơi ở sân nhà, cháu bé nhìn thấy chai nước ngọt quen thuộc nên lấy uống. Không ngờ bên trong chứa xăng. Chị gái 3 tuổi thấy em uống chai nước ngọt xong có biểu hiện bất thường nên gọi cho ông nội.
Các bác sĩ cảnh báo, trên 90% trẻ bị uống nhầm xăng dầu là do người nhà để dung dịch này trong chai nước khoáng. Không móc họng, rửa dạ dày. Tùy thuộc việc trẻ uống xăng hoặc dầu, số lượng nhiều hay ít mà biến chứng và mức độ nguy hiểm cũng khác nhau.
Lưu ý trong trường hợp phát hiện trẻ uống nhầm xăng, tuyệt đối không cho trẻ ăn uống bất cứ gì và phải nhanh chóng đưa trẻ nhập viện cấp cứu vì sự tàn phá hô hấp sẽ diễn ra rất nhanh.