Ước mơ có con khi điều trị ung thư
Bệnh nhân là chị nguyễn Thị H. (36 tuổi, quê tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Chị H. kể chị phát hiện ung thư vú từ năm 2013. Sau đó, chị điều trị ung thư vú ổn định gần 5 năm. Khi bệnh ổn định hơn, chị H. đã muốn có thai. Lúc nào chị cũng mong mình có con nên tìm hiểu rất kỹ và nhờ bác sĩ tư vấn để chuẩn bị làm mẹ.
Đầu năm 2019, chị H. có thai. Chị vui mừng chờ đợi giây phút được làm mẹ nhưng đến tuần 28, khối u phát triển di căn não. Chị H.vẫn quyết tâm giữ lại đứa con - điều mà chị đã mong mỏi từ rất lâu.
TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Nội 5 Bệnh viện K trung ương, người đã điều trị cho chị H. từ lúc chị vào bệnh viện, cho biết suốt thời gian điều trị, lúc nào chị H. cũng hỏi bác sĩ về việc có thai. Bác sĩ cũng tư vấn cho chị rất kỹ về bệnh và việc mang thai như thế nào. Chị H. cố chờ 5 năm điều trị bệnh ổn định và khi hết 5 năm, chị H, đã xin bác sĩ được ngừng điều trị để mang thai.
Hiểu được nguyện vọng của chị H., các bác sĩ đã tư vấn cho chị chuẩn bị sẵn tâm lý làm mẹ. Khi mang thai, chị H. vẫn đi làm hàng ngày trong xưởng công nhân. Ai cũng hi vọng chị mẹ tròn con vuông.
Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, chị H. bắt đầu có hiện tượng nôn ói. Triệu chứng nghén nặng nên gia đình đưa lên bệnh viện Phụ sản trung ương khám và kiểm tra lại ở Bệnh viện K trung ương. Kết quả cho biết ung thư phát triển và di căn lên não.
Bác sĩ Bình kể ở tuần 28, bệnh nhân có dấu hiệu giảm trí nhớ, nói không biết gì, gia đình phải trợ giúp hoàn toàn nhưng bệnh nhân H.vẫn quyết tâm giữ cháu bé.
Đến tuần thai 34, chị H. bị mất trí nhớ hoàn toàn và bắt đầu hôn mê. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai. Bé gái nặng 2kg chào đời, chị H. được chuyển sang Bệnh viện K trung ương tiếp tục điều trị ung thư.
Nhiều khoa hội chẩn
TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện K, cho biết chị H. được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản trung ương sang Bệnh viện K trung ương khi vừa mổ sinh ba ngày. Đây là trường hợp rất đặc biệt vì ung thư vú di căn não trong quá trình mang thai.
Chị H. vào viện khối u đã di căn vào não 3 ổ, đặc biệt di căn vào hố sau gây chèn ép, dẫn đến tình trạng hôn mê. Bác sĩ ngay lập tức quyết định điều trị bằng thuốc và điều trị bằng dao Gamma cho bệnh nhân H.
Tuy nhiên, trường hợp của chị H. do khối u khá lớn, vị trí 2 khối ở tiểu não, 1 khối ở bán cầu đại não, cả 3 khối cộng vào gây ra triệu chứng cộng hưởng. Các bác sĩ ngoại thần kinh phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa về ung bướu thần kinh và u vú, đưa ra phác đồ điều trị phối hợp cùng nhau giúp bệnh nhân hồi phục.
Bác sĩ Liên cho rằng trường hợp này nếu chỉ tập trung vào điều trị u não thì có thể di căn bộ phận khác, nếu chỉ điều trị bệnh toàn thân thì có thể hôn mê, cơ thể không thể chịu được. Vì vậy, phải phối hợp nhịp nhàng, điều trị não trước, nếu mổ mở có thể chỉ giải quyết được 1 ổ, dao Gamma có thể giải quyết cùng một lúc cả 3 ổ, khối u được khống chế, giảm được thời gian hồi phục 2-3 tuần nếu mổ mở thông thường, tuy nhiên các phương án đều được cân nhắc.
Bác sĩ Liên cho biết sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân H. đáp ứng thuốc rất tốt, khối u đã giảm 40% thể tích, và được kiểm soát tốt, bên cạnh đó việc phối hợp với điều trị hóa trị đã giúp kiểm soát bệnh rất tốt.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết những phụ nữ đang điều trị ung thư không nên mang tha. Bản thân ông cũng không ủng hộ các bà mẹ ung thư vẫn cố giữ con.
Theo PGS Cường, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi, suy giảm miễn dịch lại trên nền bệnh ung thư đã di căn nên rất nguy hiểm. Nếu khi thai còn nhỏ, việc đình chỉ thai sẽ giúp người mẹ kiểm soát bệnh, có cơ hội sinh con khoẻ mạnh trong những lần sau.
PGS Cường nhấn mạnh cần có thái độ cứng rắn với các trường hợp biết bị bệnh nặng vẫn cố tình sinh con. Trường hợp người bệnh cố tình mang thai thì bác sĩ cũng phải cố gắng hết sức cứu cả người bệnh và thai nhi.
Ông cũng khuyến cáo trước khi có ý định mang thai, phụ nữ nên khám sàng lọc để biết được về tình trạng sức khỏe của mình.