Theo các thông kê gần đây cho thấy, ung thư cổ tử cung có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong xếp thứ hai trong các bệnh ung thư sinh dục ở nữ giới hiện nay. Đây là bệnh lý ác tính của biểu mô lát hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn các khu vực xung quanh rồi di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Hầu hết, những người đang ở trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ mắc căn bệnh quái ác này do nhiễm HPV. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, vì thế rất nhiều người không thể tránh được căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Bệnh sẽ phát triển theo từng giai đoạn, ở mỗi giai đoạn, mức độ bệnh sẽ phát triển khác nhau và di căn đến nhiều vùng cơ thể khác nhau.
Ung thư cổ tử cung thường di căn ở đâu?
Bệnh ung thư cổ tử cung được chia làm 5 giai đoạn 0, I, II, III, IV. Ở giai đoạn 0, bệnh đang còn rất nhẹ chỉ là ung thư biểu mô tại chỗ. Đến giai đoạn I, các tế bào ung thư đã xâm lấn mô chính của cổ tử cung, nhưng vẫn đang còn nằm ở cổ tử cung. Các tế bào ung thư xâm nhập vào trong cổ tử cung đi sâu vào cổ tử cung từ 3-5mm và nhỏ hơn 7mm về bề rộng. Sau đó, phát triển lớn hơn nhưng chưa lớn hơn 4cm.
Bước sang giai đoạn thứ II, các tế bào ung thư đã lan ra khỏi cổ tử cung đến vùng chậu, lan rộng đến phần trên như chưa ảnh hưởng đến phần dưới của âm đạo. Bước sang giai đoạn thứ III, các tế bào ung thư đã lan ra khỏi vùng chậu hoặc lan tới 1/3 dưới của âm đạo, ảnh hưởng đến các khu vực dưới của âm đạo, ngăn cản dòng chảy của nước tiểu tới bàng quang.
Bệnh ngày càng phát triển nhanh hơn, khi bước sang giai đoạn thứ IV, khối u đã xâm lấn đến bàng quang, trực tràng, lan rộng ra khỏi vùng chậu. Đây được coi là giai đoạn nặng, thậm chí các cơ quan ở xa tế bào ung thư cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đó, tế bào ung thư sẽ di căn tiếp đến các bộ phận khác trên cơ thể như não, phối, xương… Lúc này, bệnh không chỉ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, gây khó khăn cho việc sinh hoạt vợ chồng, nhiều chị em không còn khả năng làm mẹ.
Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung đã di căn
Hiện nay, với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu như được phát hiện sớm. Càng phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao và khả năng bảo tồn chức năng sinh sản cũng rất cao. Còn nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn cuối thì rất khó chữa trị.
Tùy từng giai đoạn, sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Theo đó:
Di căn bàng quang, trực tràng: Nếu bệnh tình đã di căn đến bàng quang và trực tràng và bệnh nhân có đủ điều kiện thì có thể tiến hành phẫu thuật vét đáy chậu trước, sau đó kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị để kiểm soát các tế bào ung thư không lan rộng. Với trường hợp, bệnh nhân không đủ điều kiện tiến hành làm phẫu thuật thì phải áp dụng đồng thời 2 phương pháp hóa trị và xạ trị để nhằm mục đích kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Khối u xâm lấn di căn xương: Đối với trường hợp này thì bệnh nhân không thể phẫu thuật mà chỉ có thể xạ trị giảm đau vùng bị tổn thương và kết hợp với sử dụng thuốc như thuốc chống hủy xương, tăng canxi máu… Nếu bệnh nhân bị gãy xương hoặc bị chèn tủy thì phải điều trị ngoại khoa.
Khối u di căn lan rộng chèn ép gây suy thận, chảy máu: Đầu tiên bệnh nhân sẽ được xạ trị để điều trị suy thận và chảy máu. Sau khi tình trạng này khỏi có thể sẽ kết hợp với hóa trị để kiểm soát các tế bào ung thư cổ tử cung.
Di căn não: Trong trường hợp bệnh nhân có đủ điều kiện để phẫu thuật thì dựa vào kích thước, vị trí khối u xâm lấm và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp dùng dao gamma quay để loại bỏ khối u trong não hoặc đồng thời kết hợp với phương pháp xạ trị gia tốc toàn não.
Qua đây có thể thấy, khi bệnh ung thư cổ tử cung đã di căn, bệnh nhân sẽ không được phẫu thuật cắt bỏ tử cung mà chỉ được điều trị kéo dài sự sống và giảm tình trạng đau đớn mà thôi.