Chết hụt lần thứ nhất
Theo lời giới thiệu của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại I Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, chúng tôi tìm tới căn nhà khang trang trong con hẻm nhỏ ở TP. Đà Lạt để gặp người phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung cách đây 20 năm. Hiện giờ bà vẫn sống khỏe cùng con cháu.
Khi chúng tôi tới cũng là lúc bà Nguyễn Thị Tám đang loay hoay làm cơm đón khách. Nhìn người phụ nữ 63 tuổi hồng hào, nhanh nhẹn, khó ai tin cách đây 20 năm bà đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1B và cách đây 15 năm bà đã tiếp tục trải qua 2 lần phẫu thuật cắt khối u vú.
Sau khi hoàn tất công việc, bà Tám vui vẻ ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Bà chia sẻ: "Đầu năm 1999, một buổi chiều nọ, sau khi chơi cầu lông với đồng nghiệp về, tôi bỗng nhiên có cảm giác bụng quặn đau. Cơn đau cứ vậy kéo dài ngày này qua ngày khác và có triệu chứng rong kinh. Đi khám bác sĩ ở bệnh viện tỉnh thì bác sĩ chẩn đoán bị khối u xơ tử cung nhỏ cứ về nhà theo dõi.
Uống thuốc cả tuần nhưng bệnh tình vẫn không thấy thuyên giảm, gia đình vội đưa tôi về TP.HCM vào Bệnh viện Ung Bướu khám. Tại đây kết quả xét nghiệm và sinh thiết cho thấy tôi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1B".
"Khi có kết quả xét nghiệm của bà xã, một nhân viên bệnh viện ra nói với mình, bà xã anh ung thư rồi. Họ nói đúng! Nhưng nghe xong tôi bỗng nhiên 'sôi cả máu'. Nghĩ lại mình cũng ngộ. Họ đâu nói sai nhưng mình khi đó như bị ức chế vì như bị mất đi hy vọng là không phải ung thư nên tự nhiên nộ khí xung thiên", ông Nguyễn Văn D., chồng bà Tám xen vào.
"Thời điểm này, khối u đã lớn, đã xâm lấn nhiều. Trước tình hình đó, bác sĩ bệnh viện Ung bướu TPHCM đã không chỉ định mổ ngay mà tiến hành cho tôi cho xạ trị để khối u nó ổn định rồi mới mổ.
3 tháng bệnh bùng phát, tôi từ một phụ nữ 43 tuổi, khỏe mạnh, nặng gần 47 - 48 kg, mà ốm xuống còn khoảng 37kg. Thân thể suy kiệt tới mức đi đứng không nổi. Mỗi khi đi vệ sinh thì chồng con phải bế.
Sau vài đơt xạ trị, uống kèm thuốc nam... kết quả điều trị khả quan hơn, khối u nó "gom lại", các tế bào ung thư không phát triển như trước nữa. Bác sĩ bệnh viện Ung Bướu chỉ định mổ cắt cổ tử cung.
Ngày đó mổ xẻ không như bây giờ, mổ cái ruột thừa hay gì cũng là cả một vấn đề, chứ mổ ung thư thì còn dễ sợ hơn nữa. Người ta ai cũng nói ung thư mà đụng dao kéo là ... Chỉ có chết nhanh hơn.
Trong phòng bệnh ngày đó, bệnh nhân nặng nhiều lắm, thỉnh thoảng lại có người xin về hoặc chuyển sang nhà xác khiến tôi cùng gia đình càng thêm lo sợ.
Đi hỏi bác sĩ thì họ cũng nói, bệnh tình tôi như vậy thì khả năng cũng chỉ 50/50. Là bác sĩ, họ hứa sẽ cố gắng hết sức, còn nước còn tát. Mọi thứ còn trông chờ vào nghị lực và may mắn…
Mổ xong còn phải nằm viện cả năm trời để vô thuốc phối hợp. Cái bệnh viện ung bướu khi đó quá tải, không có chỗ nằm. Vợ tôi thì trải chiếu nằm trong phòng bệnh, còn tôi thì trải chiếu nằm ngoài hành lang bệnh viện chăm bả buổi đêm.
Ngày thì tôi sang nhà người quen để ở nhờ và nấu nướng đồ ăn để đem vào cho bà xã. Cả năm trời ở đó, giờ nhớ lại tôi vẫn thấy rùng mình", ông Nguyễn Văn Dũng nhớ lại.
Vừa khỏi bệnh cũ lại phát bệnh mới
Trong căn nhà nhỏ, bà Tám tiếp tục câu chuyện: "Sau một năm điều trị, sức khỏe của tôi ổn định và phục hồi dần. Nói vậy chứ nó là cả một cuộc chiến. Ăn thì không nổi, trong xương cốt thì đau nhức, phải xóa bóp mỗi ngày.
Ngoài thuốc bác sĩ cho, tôi còn uống kèm đủ thứ, nào là trinh nữ hoàng cung, tam thất, xạ đen, rắn lục, rắn hổ đất..... ai chỉ gì mình tìm uống nấy. Đi lên tận Tây Nguyên, ra cả ngoài bắc... để cắt thuốc về uống.
Nói về chuyện uống ba thứ đó là cả một vấn đề. Giờ nhớ lại bảo uống thì chịu chết, nào là rắn lục nướng rồi giã thành bột, cây xạ đen sắc uống, rắn hổ đất thì để sống đem cắt đuôi nhỏ máu rắn vào nước dừa, lấy mật của rắn đem uống. Mùi vị của chúng thật kinh khủng. Hôi tanh, cứ đưa lên miệng là buồn ói. Và có những hôm đã ói nhưng vẫn ráng mà uống và uống cả năm trời.
Năm năm sau, như bác sĩ nói chỉ cần qua 5 năm là coi như khỏi bệnh. Gia đình mừng lắm. Tổ chức lễ ăn mừng hoành tráng. Ngờ đâu ăn mừng mới được một tuần thì bất ngờ vú lại có một khối u. Khi đó cả nhà tui lại hết hồn đi gấp về TPHCM để điều trị.
Tôi là tôi sợ nó đi căn từ cổ tử cung lên vú. Cũng may, phẫu thuật xong thì kết quả sinh thiết khối u vú cũng chưa khẳng định được ác tính hay liên quan đến u cổ tử cung hay không. Nghe xong, một lần nữa tôi lại ôm ấp hy vọng trở về.
Tuy nhiên, ông trời vẫn đùa dai. Một tháng sau khi mổ cắt u vú, thì nó có dấu hiệu tái phát. Khối u mới phát triển nhanh, khiến cho đường mổ cũ muốn nứt ra. Tôi lại nhập viện phẫu thuật lần thứ 3.
Cũng may, sau lần điều trị này, sức khỏe tôi ổn định và tiến triển tốt đến giờ. Mấy năm nay, tôi không còn phải về TPHCM tái khám nữa mà chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ ở cơ sở y tế dưới này.
Giờ đã tròn 20 năm sau khi cắt cổ tử cung và 15 năm cắt nhũ. Sau 20 năm, từ người bệnh 'liệt giường', chồng chăm, giờ tôi là người chăm ông xã".
Bà Tám cười, kể công: "Mấy năm qua, ông xã tôi bị tiểu đường biến chứng lên mắt và phải chích thuốc liên tục. Con cái giờ lớn rồi, tui nó ra riêng, ở TPHCM hết. Ông xã bệnh tôi lại là người khỏe, chăm ngược cho ông.
20 năm trước, bạn bè ai cũng nghĩ tôi đi rồi. Chứ không ai nghĩ tôi còn sống đến ngày hôm nay. Mà tôi còn sống khỏe mạnh. Nhìn tôi bây giờ, ai từng nghĩ 3 lần mổ cắt cổ tử cung và u vú".
Chia sẻ bí quyết, bà cho biết: “Nói đi nói lại, mình sống đến ngày hôm nay vừa nhờ y bác sĩ vừa nhờ bạn bè. Từ việc họ giúp mình. Bằng vật chất, thuốc men, tình thần. Có người thì cho sâm, cho thuốc rồi cho vay tiền đóng viện phí. Có những người bạn thì thăm hỏi động viên... Nhờ đó mình cũng mạnh mẽ, kiên trì hơn. Mình nỗ lực.
Hàng ngày ăn uống điều độ, tập thể dục hàng ngày. Đi bộ, đạp xe chơi cầu lông...Khí hậu Đà Lạt cũng ổn định. Có lẽ những yếu tố trên cùng với sự “mát tay” của bác sĩ đã khiến tôi 3 lần thoát án tử".
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chia sẻ câu chuyện của cô Tám có thể cho chúng ta thấy bệnh ung thư không phải là... "chấm hết".
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như tay nghề của các y bác sĩ, bệnh nhân ung thư cổ tử cung trong giai đoạn 1A, 1B nếu phẫu thuật, điều trị đúng thì khả năng điều trị khỏi (sống trên 5 năm) có thể lên tới 80%.
Tuy nhiên, số người sống được từ 20 năm trở lên thì khá hiếm, chỉ khoảng 10 %.
Điều quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị là người bệnh phải tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Bệnh nhân nên khám, tầm soát sớm để phát hiện và điều trị kịp thời. Phụ nữ trẻ nên tiên ngừa vacxin phòng bệnh và thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh.