Ngày 3/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh vừa ký công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 10 (Goni) và tình hình mưa lũ.
Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ ngày 4 - 6/11, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, mưa to tập trung từ đêm ngày 5 và ngày 6/11. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
Cơ quan chức năng Quảng Nam cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối, thuộc các huyện: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức; tình trạng ngập lụt diện rộng tiếp tục tại các vùng trũng thấp các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP. Hội An, TP. Tam Kỳ (một số phường, xã ven sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ).
Để chủ động ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ.
Theo đó, kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Việc di dời, sơ tán phải hoàn thành trước 11h ngày 4/11; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 16h ngày 4/11.
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Ngoài ra, phát huy phương châm “Bốn tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn.
Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra, sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống khẩn để chủ động triển khai ứng phó; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.