Điện ảnh Hàn Quốc một lần nữa đã lấy được nước mắt của hàng triệu khán giả màn ảnh rộng qua bộ phim “Điều ba mẹ không kể”. Thành công đó nhờ vào sự chỉnh chu từ nội dung lẫn khả năng diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội trong phim.
Bộ phim là câu chuyện về một cuộc sống gia đình với ba thế hệ cùng sống chung trong một mái nhà. Nam Bong (Lee Soon Jae) hằng ngày phải lái taxi nuôi bốn miệng ăn trong gia đình dù tuổi đã cao. Áp lực công việc cộng với bản tính cộc cằn, gia trưởng làm cho tình yêu thương của ông dành cho vợ và các con dường như không một ai có thể thấu hiểu. Còn vợ ông - bà Mae Ja (Jung Young Sook) vì ít học nên tối ngày chỉ quanh quẩn ở nhà chăm lo việc bếp núc.
Tưởng chừng cuộc sống trôi qua một cách bình yên, nhưng hai chữ “tuổi già” ập đến không cho họ một cuộc sống yên ổn. Từ đó, những câu chuyện mà ba mẹ chưa kể, hoặc không thể kể đã dần lộ ra với đứa con trai duy nhất. Chính điều đó gây nên sự xáo trộn, lâu dài gây sự thất vọng rồi dẫn đến đổ vỡ. Để rồi, họ nhận ra tình thương là liều thuốc tiên chữa lành mọi rạn nứt trong tim. Nhưng họ đã quá muộn màng khi nhận ra điều đó.
Ở “Điều ba mẹ không kể” nó không hẳn là một câu chuyện buồn, mà ở đó còn là câu chuyện khiến người xem có niềm tin về sức mạnh của tình yêu, chính sức mạnh ấy có thể chữa lành mọi vết rạn trong tim và chống lại nghịch cảnh của cuộc đời. Bộ phim tình cảm gia đình với thông điệp “hãy yêu và chăm sóc gia đình khi còn được thở”. Để chúng ta không phải khóc nấc trong tuyệt vọng như chàng Ji Sook của phim. Bao nhiêu đó cũng đã đủ làm cho nhiều người kéo nhau ra rạp để thưởng thức bộ phim.
Tất cả những thứ thuộc về gia đình, nhất là về người mẹ đều đi vào lòng khán giả một cách nhẹ nhàng nhất. Cũng giống như “Điều ba mẹ chưa kể”, điện ảnh Việt từng có những bộ phim khai thác về đề tài gia đình đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Hãy cùng điểm danh lại những bộ phim đó nhé!
Hai Phượng: Tình cảm mẫu tử thiêng liêng bên cạnh những pha hành động đẹp mắt
Ở “Hai Phượng” là một tình yêu con cực đoan đến xót lòng. Tình cảm của Hai Phượng dành cho con sẽ không thật sự cảm xúc nếu bộ phim không tạo dựng nên một quá khứ đầy rẫy lỗi lầm qua chân dung người mẹ. Cả một đời chằng chịt vết vá và những lối rẽ sai lầm, nhưng Hai Phượng đã tìm được lẽ sống cho mình, là bé Mai. Từ khi sinh Mai, chị đã biết mình cần tìm ra một hành trình đúng đắn cho tương lai của hai mẹ con.
Chuyện phim kể về Hai Phượng, người phụ nữ gai góc với quá khứ làm bảo kê cho các quán bar, nhà hàng ở Sài Gòn. Chọn Cần Thơ để sinh con, nuôi nấng và dạy dỗ con gái bằng nghề đòi nợ thuê. Vậy mà trong một lần đi chợ cùng mẹ, bé Mai đã bị bắt cóc. Lần theo đám người bắt cóc, Hai Phượng trở về chốn cũ, một mình lăn xả, đối mặt với những gã giang hồ máu mặt để tìm lại con gái.
Cái hay của phim là sự đan xen giữa những cảnh đánh đấm quyết liệt cùng với những cảm xúc nội tâm của người mẹ. Chính cảm xúc của người phụ nữ chai lì, tưởng đâu không còn nước mắt lại dễ dàng chạm đến trái tim của khán giả với những lời oán trách bản thân, cho rằng việc cô được sinh ra đời tất cả đều là sai trái nhưng trở thành mẹ bé Mai là việc làm duy nhất đúng đắn của cuộc đời mình.
Có người từng nói: "Không có tình yêu nào vĩ đại như tình yêu của người mẹ". Chính những giọt nước mắt, mồ hôi, hay những giây phút "sức cùng lực kiệt" của Hai Phượng đã chứng minh câu nói ấy hoàn toàn chính xác. Bộ phim còn cho thấy, không riêng Hai Phượng mà bất kể người mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đứa con của mình.
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa: Khúc hát ru con dài tận 30 năm
Chuyện phim kể về bà Tư (NSƯT Kim Xuân), mặc cho xã hội đổi dần đổi mới, nhưng tại căn chung cư cũ dần xuống cấp, thời gian cứ như ngưng đọng lại. Tại đó, có một người phụ nữ suốt 30 năm mòn mỏi đợi con trai duy nhất trở về nhà.
Trước đó 3 thập kỷ, mọi người sống với nhau chan hòa, yêu thương trong căn hẻm nhỏ. Tưởng đâu yên bình nhưng biến cố đã xảy đến với con trai bà Tư (Khắc Minh) làm cậu bỏ đi biệt xứ. Từ đó, tình nghĩa xóm làng của gia đình bà Tư và ông Phát (Lê Bình) xảy ra rạn nứt.
Thấm thoát 30 năm sau, căn chung cư đã xuống cấp và buộc phải di dời. Tuy nhiên bà Tư, ông Phát, chị Diễm (Kiều Oanh) và anh Được (Hoàng Nhất) vẫn kiên quyết bám trụ lại nơi này. Hoá ra, nguyên nhân mọi người ở lại vì lo cho bà Tư - người mẹ gần đất xa trời nhưng vẫn đau đáu chờ con trở về. Trùng hợp thay, sự xuất hiện của Sơn (Dương Cường) cùng với mối liên hệ mang màu sắc bí ẩn, liêu trai của anh và con trai bà Tư lại làm mọi chuyện thêm rối rắm.
“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” chắc hẳn sẽ bóp nghẹn con tim của khán giả Việt và cả những con tim rắn rỏi nhất. Một bộ phim có rất nhiều chữ tình: Của người mẹ với tình thương con vô bờ bến, người cha nghiêm khắc, kiệm lời nhưng lặng lẽ thương con, là tình làng nghĩa xóm và còn là tình yêu nam nữ không phân biệt giai cấp bất chấp thân phận,... Một chữ tình của cả bộ phim gói gọn trong 90 phút khiến người xem không khỏi xuýt xoa vì đẹp làm sao.
Nắng: Câu chuyện về tình mẫu tử đẹp và giản dị đến lạ thường!
“Nắng” mở đầu đầy bình dị kể về cuộc sống của mẹ Mưa (Thu Trang) và bé Nắng (bé Kim Thư). Hai mẹ con hằng ngày nương tựa vào nhau bằng nghề bán vé số và lượm ve chai.
Chẳng biết hên hay xui, hai mẹ con cùng nuôi hai ông “trời ơi đất hỡi”, một người bị nghi nhiễm HIV, còn người kia là gã giang hồ “tép riu” đang bị giang hồ khác truy đuổi. Bốn số phận bám víu nhau trong căn nhà hoang gần đổ nát, tạo nên bức tranh cuộc sống đầy sắc màu. Bỗng một ngày, tai hoạ ập xuống. Mẹ Mưa bị kẻ xấu đổ tội tàng trữ và buôn bán ma tuý, có nguy cơ đứng trước án tử hình.
Tại đây, cảm xúc của Nắng đã làm người xem phải rơi nước mắt. Từng câu thoại, từng hành động, từng cảm xúc của cô diễn viên nhí này đã nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả. Cái hay của đạo diễn là việc đã đẩy nhịp phim lên cao độ, tạo nút thắt khi mẹ Mưa bị đưa ra pháp trường xử bắn, ngay lúc đó, bé Nắng xuất hiện lấy đi nước mắt của khán giả. Và rồi chính các chú công an đã tháo gỡ nút thắt, đưa khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Bộ phim đã truyền tải một câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, đã là mẹ đều thương con của mình. Cho dù người mẹ đó có bị thiểu năng như mẹ Mưa nhưng vẫn thương Nắng và tìm mọi cách để bảo vệ cô con gái nhỏ của mình. Bộ phim mang một gam màu hy vọng của những con người ở đáy cùng của xã hội như đúng câu nói của bé Nắng: "con là Nắng, mẹ là Mưa, hai mẹ con mình là màu hy vọng".
Có thể những bộ phim điện ảnh Việt vừa kể trên ít nhiều sẽ còn một số lỗi trong phim. Và nếu nói hơi cực đoan thì khó mà đặt lên bàn cân so sánh với các bộ phim kinh điển của Hàn Quốc về đề tài gia đình như: "Điều ước ở phòng giam số 7", "Điều ba mẹ không kể",... Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, vì chính những bộ phim kể trên đã giúp cho khán giả Việt có cái nhìn khác với điện ảnh Việt trước vô số những phim hài nhảm. Nhưng con đường "chạm đích" của dòng phim cảm xúc Việt hẳn còn nhiều chông gai và đầy khó khăn.