Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-7, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã thông tin về kết quả giải ngân tiền thuê trọ cho người lao động theo Quyết định 08 của Chính phủ.
Ông Thanh cho hay, ngày 28-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang tham gia lao động và quay trở lại thị trường lao động, có hiệu lực từ ngày 1-4-2022.
Sau khi có Quyết định 08, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 431 ngày 19-5 về tăng cường biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động.
Bộ đã yêu cầu các địa phương tổ chức triển khai Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tháng 7-2022, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 791 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với với BHXH Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tại địa phương triển khai hướng dẫn, cập nhật các dữ liệu, tránh trùng lắp.
“Tính đến ngày 4-7, theo báo cáo của Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỉ đồng, tại 45 địa phương” - ông Thanh nói.
Cùng với đó, các địa phương cũng đã phê duyệt hồ sơ cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỉ đồng tại 38 địa phương và đã có 15 địa phương thực hiện giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỉ đồng.
Cũng theo ông Thanh, hiện các địa phương đang tập trung vào việc giải ngân khoản tiền hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động. Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương để đẩy nhanh việc này.
“Theo quy định, chậm nhất là 15-8, hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động” - ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cũng cho biết do một số địa phương “sợ sai” nên yêu cầu người lao động phải lấy thêm các xác nhận của xã phường, trong khi yêu cầu chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ. “Về việc này Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, một số doanh nghiệp "sợ sai" nên khi lập danh sách và nộp BHXH còn chậm. “Bộ đã có yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách. Đồng thời đề nghị tổ chức Công đoàn phối hợp đẩy mạnh, đôn đốc các doanh nghiệp lập danh sách để phê duyệt”, ông Thanh chia sẻ.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Cụ thể, về giải pháp trong ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm.
Về triển khai các biện pháp dài hạn, bà Liên Hương cho biết Bộ Y tế đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...