Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa đón một bé trai nặng 5,6 kg chào đời tại bệnh viện, tương đương cân nặng trẻ 2 tháng tuổi. Sau sinh sức khỏe cả hai mẹ con đều ổn định.
Năm 2020, bệnh viện từng đón bé gái chào đời nặng 6,1 kg, gần bằng trọng lượng của trẻ 3 tháng tuổi, là con thứ 3 của sản phụ từng 2 lần sinh con to trước đó (4,5-5,3 kg).
Trước đó, các cơ sở y tế từng ghi nhận nhiều bé sơ sinh nặng cân. Trong số này, bé trai T.K.Q. (SN 14-10-2017 tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có cân nặng sơ sinh lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam là 7,1 kg.
Ngoài ra, đã có một bé sơ sinh chào đời ở tỉnh Gia Lai nặng gần 7 kg và từng có hai bé chào đời nặng 6,5 kg sinh ở Đà Nẵng.
Theo Bộ Y tế, trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ có cân nặng trung bình là 2,8 - 3,5 kg. Một em bé khi ra đời nặng hơn 3,5 kg thì được gọi là thai to. Thai nhi to sẽ làm gia tăng nguy cơ khó khăn khi sinh nở, làm tăng nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.
Qua trường hợp này, bác sĩ sản khuyên các mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý trong thời kỳ mang thai để tránh tăng cân quá nhiều, quá nhanh so với tiêu chuẩn thông thường. Thông thường phụ nữ mang thai tăng khoảng 10-13 kg so với lúc chưa mang thai là phù hợp.
Ngoài ra, cần kết hợp vận động nhẹ nhàng, hợp lý để việc sinh nở được dễ dàng. Các thai phụ, đặc biệt là thai phụ mang thai to, cần khám định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đường và tinh bột. Thai phụ cũng cần thăm khám định kỳ, tầm soát tiểu đường thai kỳ để hạn chế biến chứng nguy hiểm cho hai mẹ con.