Theo đó, chiều tối ngày 29/06/2022, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp cháu bé H.V.S trong tình trạng tím tái toàn thân, dấu hiệu sinh tồn không bắt được, bụng chướng và được chẩn đoán là ngừng hô hấp tuần hoàn do đuối nước ở mức độ nặng.
Các y bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện ép tim, bóp bóng qua nội khí quản, đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở oxy, rất may sau 15 phút bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại.
Ngay sau đó, cháu bé đã được chuyển đến đơn nguyên Hồi sức tích cực chống độc-Nhi-Sơ sinh và được điều trị tích cực. Sau một ngày điều trị tại đây, cháu đã tỉnh hơn, tự thở được và được rút ống. Hiện, cháu bé đã phục hồi gần như hoàn toàn và chưa có dấu hiệu di chứng nào.
Được biết, vì sơ suất trong lúc người nhà rời mắt thì cháu bé đã lại gần thùng đựng nước không may ngã cắm đầu vào thùng. Điều may mắn của bé là được phát hiện sớm, nhà rất gần bệnh viện nên đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Trường hợp trên cũng như một lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh không nên để trẻ rời xa tầm mắt chúng ta. Không chỉ có ao, hồ, sông biển nguy hiểm mà chính những vật dụng hằng ngày hiện diện trong gia đình cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ.
Khoảng 10h ngày 6/7, bé gái 3 tuổi ở Hà Tĩnh cũng tử vong do ngạt nước trong bể bơi mini. Bể mini làm bằng khung thép và nhựa cứng, bọc bạt màu xanh xung quanh, đặt tại sân nhà bé tại thôn Thượng Phúc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc. Bể cao khoảng 80 cm, dài 3 m, rộng 2 m, mực nước bên trong 30-40 cm.
Khoảng 10h ngày 6/7, bé bất động trong bể khi ở một mình vài phút. Chị gái 14 tuổi phát hiện sự việc đã hô hoán hàng xóm đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã song bé được xác định đã tử vong.
Mực nước trong bể bơi thấp hơn chiều cao của nạn nhân, tuy nhiên đáy làm bằng tấm bạt nên trơn. Một số chuyên gia cho rằng có thể trong lúc tắm bé gái bị trượt chân ngã và không thể đứng dậy, dẫn đến bị ngạt nước.
BS Trương Hoàng Hưng, chuyên khoa Nhi tại Hoa Kỳ cho rằng đuối nước ở trẻ có thể ngay chính trong các vật dụng trong gia đình. Đặc biệt là việc sử dụng bể bơi mini phổ biến như hiện nay.
Các bạn không thể cho rằng trẻ có chiều cao cao hơn độ sâu của bể bơi là an toàn. Vì khi bé chưa biết bơi và trượt té trong hồ sẽ hoảng loạn không thể đứng trên chân của mình, khiến mực nước hồ sẽ cao hơn bé, bé cũng không thể dùng tay đứng dậy hay lật ngửa lại. Hoảng loạn trong vài phút, bé sẽ không thể đứng dậy.
BS Hưng đã gặp nhiều bé chết đuối trong cái bồn tắm nước lấp xấp hay trong một cái xô nước nhỏ, té cắm đầu vào và không thể đứng dậy như người lớn. Nên khi trẻ con chơi trong nước, nhất là trẻ chưa biết bơi, nên luôn có áo phao hay phao tay. Người lớn phải luôn quan sát, chỉ cần vài phút lơ là là hối hận cả đời.
Các bác sĩ cho biết, hiện nay đang vào mùa hè, thời tiết nóng bức, nhu cầu đi bơi của người dân cũng tăng lên, đây cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng. Với bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước của trẻ hoặc do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn trong quản lý, giám sát đã dẫn đến việc xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.
Do đó việc dạy bơi và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước, bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em rất cần được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Các bác sĩ còn cho biết thêm, phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách.
Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn.
Trong quá trình sơ cứu không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu... thì phải dùng khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.