Theo tìm hiểu của PV, hiện nay số bệnh nhân phải nhập viện do những rối loạn cảm xúc, tâm lý ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Thậm chí, có những trường hợp trẻ mới lên 3 đã phải nhập viện tâm thần điều trị.
Trao đổi với báo chí, BS. Nguyễn Hương Xuân, nguyên Trưởng khoa Nhi - Nữ, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết đã từng điều trị cho nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Cách đây không lâu, trường hợp cháu Nguyễn Kim Th. (quận Ba Đình, TP.Hà Nội), mới 3 tuổi nhưng đã từng trải qua một đợt trị liệu kéo dài 3 tháng tại bệnh viện tâm thần, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ.
Ngay từ khi sinh ra, Th. là một đứa trẻ kháu khỉnh, thông minh và rất hay cười, ai bế cũng theo. Nhưng lạ thay, khi bé mới lên 3, bố mẹ Th. ly hôn, nghĩ con còn bé, chưa hiểu biết gì nên không ai nói với em về việc họ chia tay. Họ lẳng lặng ra tòa, dọn nhà chuyển đi nơi khác. Th. ở với mẹ, thỉnh thoảng mới được về thăm bố.
Lúc đầu, Th. không thể hiện thái độ hay bất kỳ biểu hiện gì. Nhưng càng ngày, cô bé càng bộc lộ những cảm xúc, hành vi bất thường. Từ một bé gái sôi nổi, hay nói, hay cười, Th. trở nên lầm lì, hay cáu gắt. Th. luôn tỏ vẻ sợ hãi, lấm lét, khi thì nhìn gườm gườm vào người đối diện và đặc biệt sợ ra chỗ đông người, sợ người lạ.
Khi bố cho Th. ra ngoài giao lưu với mọi người, em khóc nức nở, bám chặt bố mẹ. Th. không thích người khác lại gần mình và cũng không thích lại gần bất cứ ai. Th. không cho ai bế, vỗ về, nũng nịu, trừ bố mẹ. Những biểu hiện đó lúc đầu ít, càng ngày càng nặng nề hơn khiến bố Th. vô cùng lo lắng và đưa em đến khám tại viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Th. bị rối loạn cảm xúc và tư vấn cho gia đình đưa em đến bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị.
Theo khuyến cáo của BS. Hương Xuân, nhiều phụ huynh nghĩ rằng trẻ nhỏ chưa biết gì, không cảm nhận được khi cha mẹ có chuyện nhưng thực ra chúng rất nhạy cảm. Trẻ nhận biết tất cả những gì xảy ra xung quanh theo cách của mình. Những việc người lớn làm sẽ luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cảm xúc, tâm lý của trẻ.
Các bác sĩ chuyên khoa cho hay, khi bắt đầu bước vào tuổi đi học, thậm chí 3 tuổi, trẻ đã có thể chơi và nghiện trò chơi điện tử, vi tính và gây ra hội chứng nghiện trò chơi điện tử. Hội chứng này xảy ra ở trẻ khi thời gian sử dụng máy vi tính để chơi game ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ xã hội, ngăn trở việc học tập hoặc đời sống cảm xúc riêng của trẻ. Giống như các loại nghiện khác, trò chơi điện tử thay thế bạn bè và gia đình trong đời sống cảm xúc của trẻ. Nếu không được chơi, trẻ sẽ rối loạn tính khí và muốn sống cô lập...
Điều nguy hại, trẻ có thể bị rối loạn cảm xúc, tâm lý một cách khủng khiếp. Trường hợp trẻ là con duy nhất trong gia đình, không có ai cùng chơi, không được cha mẹ khuyến khích chơi những trò chơi thể lực, xã hội, sáng tạo, dễ tìm đến internet. Cha mẹ sợ con bị ảnh hưởng xấu của bạn bè nên thường cảm thấy an tâm khi trẻ tiếp cận internet như một người bạn, nhưng cách làm này chính là con dao hai lưỡi.
BS. Hương Xuân cho biết, những trẻ bị rối loạn cảm xúc, tâm lý phần lớn là do bố mẹ bận làm ăn, không có thời gian gần gũi con cái; cha mẹ bất hòa, ly thân, ly dị; trẻ bị giáo dục nghiêm khắc bằng roi vọt và chửi mắng, hoặc ngược lại được nuông chiều quá đáng; cha mẹ không lắng nghe những ưu tư của tuổi mới lớn. Vì thế, cha mẹ nên gần gũi để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, trầm cảm là một bệnh lý thần kinh tâm thần khá phổ biến. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây ra. Đối với trẻ vị thành niên, lứa tuổi mà tâm sinh lý đang phát triển mạnh mẽ, rất dễ bị tác động của cảm xúc, môi trường, gia đình và xã hội. Vì thế, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến những dấu hiệu khác thường ở trẻ như: Buồn chán, tuyệt vọng, cảm thấy suy sụp. Đây đều là những biểu hiện đặc trưng của trầm cảm.
Người bệnh không quan tâm thích thú với những thú vui bình thường, mệt mỏi, suy nhược, cảm giác kiệt sức, mọi việc đều vượt quá sức mình. Có những cơn đau nhức như: Đau đầu, đau bụng, đau vùng trước tim, đau cơ khớp (mà không phải do bệnh cơ thể sinh ra). Người bệnh lãnh đạm với người thân, khóc lóc vô cớ, có cảm giác lo lắng, đôi khi có cơn hốt hoảng. Họ tự cho mình là kém cỏi, là kẻ thất bại, là gánh nặng cho gia đình, không còn hứng thú đến lớp, trốn tránh bạn bè và người thân, kết quả học tập sa sút.
Vào buổi sáng, tình hình có vẻ tồi tệ hơn, sau khi thức dậy người bệnh không thoải mái, dễ chịu mà cảm thấy âm u, nặng nề. Người bệnh có thể chán ăn hoặc ăn nhiều, mất ngủ hoặc khó ngủ, hay thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều. Người bệnh có thể sút cân, cũng có thể tăng cân.
Ở mức độ trầm cảm nặng, người bệnh luôn bị ám ảnh bởi cái chết (có người rất sợ chết) và họ luôn nghĩ cách để tự sát. Khi bị bệnh nặng, ý nghĩ tự sát rất mãnh liệt nhưng hành vi tự sát ít xảy ra vì hoạt động của họ chậm chạp, khả năng thực hiện kế hoạch tự sát thấp. Vì vậy, một số trường hợp lại xảy ra tự sát khi bệnh có vẻ bắt đầu thuyên giảm. Do đó, chúng ta cần lưu ý quản lý bệnh nhân trong quá trình điều trị.