Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp do virus corona khiến hoạt động thông quan hàng hoá ở biên giới gần như tê liệt, một số loại trái cây ở nước ta không thể xuất khẩu sang Trung Quốc dẫn đến giá cả lao dốc, rẻ hơn giá rau.
Đơn cử, tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, hàng vạn tấn thanh long đến ngày thu hoạch nhưng bế tắc đầu ra. Doanh nghiệp trước đó đặt cọc mua hàng nay huỷ kèo, chỉ đền bù giá 5.000 đồng/kg và không nhận hàng.
Trong khi đó, tại Gia Lai, Bình Định,… nông dân cũng khóc ròng vì giá dưa hấu giảm xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều nhà vườn trồng dưa cho biết, với giá bán rẻ hơi rau như hiện tại, họ chịu lỗ khoảng hơn 100 triệu đồng/ha.
Hay như ở Hậu Giang, nông dân trồng mít đang đứng ngồi không yên. Bởi, trước Tết, mít Thái được tại vườn với giá 25.000-35.000 đồng/kg tuỳ loại. Nay, do ảnh hưởng bởi dịch corona, Trung Quốc ngừng ăn khiến giá giảm xuống chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg mà thương lái vẫn không mặn mà chuyện thu mua.
Trước sức ép tiêu thụ lượng lớn nông sản tồn đọng, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn các giải pháp tăng cường trữ kho lạnh, tăng cường chế biến... Các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Vinmart, Co.op mart… cũng vào cuộc giải cứu nông sản, giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này khi cam kết bán hỗ trợ hàng chục ngàn tấn thanh long, dưa hấu cho người nông dân.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết sẽ vận động các hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
Trong khi cả cộng động chung tay giải cứu nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc nhằm chia sẻ khó khăn với người nông dân thì tại nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, các loại trái cây trên vẫn được bán ở mức giá cao ngất ngưởng.
Cụ thể, tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân), Đại Từ (Hoàng Mai),... giá dưa hấu hắc mỹ nhân vẫn có giá 20.000 đồng/kg. Điều đáng nói, loại dưa này ở các vùng trồng chuyên canh giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Bình Thuận, Long An, người nông dân phải ngậm đắng nuốt cay bán thanh long ruột đỏ với giá 5.000-7.000 đồng/kg thì tại những khu chợ này giá thanh long ruột đỏ vẫn ở mức 40.000 đồng/kg.
Giá mít cũng vậy, tại chợ Hà Nội tiểu thương vẫn giữ giá mít bóc múi ở mức 70.000 đồng/kg, mít bổ miếng giá 40.000 đồng/kg. Mức giá này không giảm, trong khi giá mít tại nhà vườn ở Hậu Giang đã giảm xuống còn 5.000-7.000 đồng/kg.
Tại chợ Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), mít Thái được bán với giá 35.000 đồng/kg, dưa hấu giá 18.000-20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại 1 giá 40.000 đồng/kg, loại quả nhỏ tai đã ngả vàng giá 25.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Bích Hồng ở Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội), than thở, mấy hôm nay các con bà đi làm về nói chuyện giá dưa hấu, thanh long, mít giảm còn vài ngàn đồng mỗi cây, nhiều nơi phải kêu gọi giải cứu. Nhưng nay ra chợ gần nhà mua dưa hấu thì giá vẫn 20.000 đồng/kg, đắt như này thường.
Hỏi mấy sạp trái cây mà sạp nào cũng bán giá 20.000 đồng/kg. Cuối cùng bà đành mua quả dưa hấu 4kg với giá 80.000 đồng, đắt hơn giá dưa tại ruộng 10-20 lần.
Chị Đào Hải Yến ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị vừa phải mua thanh long ruột đỏ với giá 45.000 đồng/kg. "Trong miền Nam, thanh long ruột đỏ giá rẻ như cho, nhưng ở chợ ngoài này tôi không thấy giá giảm chút nào”. Theo chị Yến, giá từ ruộng tới chợ phải tính thêm chi phí vận chuyển, lãi của các khâu trung gian. Nhưng giá ở vườn chỉ 5.000 đồng/kg mà ra đến chợ vẫn 40.000-45.000 đồng/kg thì bất hợp lý.
“Tiểu thương ăn lãi quá lớn. Chỉ người nông dân chịu thiệt bán giá rẻ và người tiêu dùng phải mua với giá đắt. Như thịt lợn cũng vậy, dịp này giá lợn hơi đã giảm khá nhiều nhưng tiểu thương tại chợ vẫn bán giá 170.000-220.000 đồng/kg, quyết không giảm”, chị Yến nói.