Không đủ thuốc trong lúc ca bệnh tăng nhanh
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, đại diện trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, địa phương đang bước vào mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng tại 24 quận, huyện. Riêng tuần cuối tháng 9, hệ thống y tế đã ghi nhận số ca bệnh cao nhất trong tất cả các tuần tính từ đầu năm đến nay - 640 ca bệnh, chủ yếu tại quận 2, quận 7, quận 8 và huyện Bình Chánh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, bệnh viên Nhi đồng 1 cho hay: “Tính trung bình, chúng tôi đang điều trị cho khoảng 30 trẻ mắc tay chân miệng. Đã có một số trường hợp chuyển biến nặng (độ 2B, độ 3). Điều này rất đáng lo ngại, vì dự báo trong vài tháng tới, số ca bệnh sẽ tăng cao khi bước vào đỉnh dịch”.
Do cạn kiệt thuốc Phenobarbital (chuyên điều trị co giật) từ ngày 27/9, bệnh viện Nhi đồng 1 đã họp hội đồng chuyên môn, bàn giải pháp ứng phó. Theo đó, những trẻ mắc tay chân miệng sẽ được theo dõi sát hơn, nếu cần sẽ sử dụng IVIG (Immunoglobulin), cố gắng không để bệnh nhân chuyển nặng vì thiếu thuốc. Tuy nhiên, những trẻ phải sử dụng IVIG chi phí sẽ phát sinh thêm hàng chục triệu đồng, thay vì Phenobarbital được BHYT chi trả.
“Thuốc Phenobarbital được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Tình trạng thiếu thuốc diễn ra có khả năng là do gián đoạn nguồn nguyên liệu phục cho sản xuất của các nhà máy do tác động của dịch Covid-19. Chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý sẽ sớm tìm được nguồn hàng thay thế để đáp ứng việc điều trị và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân”, bác sĩ Hữu Khanh nhận định.
Số ca nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang tăng cao.
Tương tự, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám ở bệnh viện Nhi đồng 2 đang tăng lên và hiện có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện điều trị. Tại khoa Nhiễm C, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đang điều trị cho gần 20 trẻ.
Còn tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Phó Giám đốc Nguyễn Minh Tiến cũng đang băn khoăn: “Chúng tôi đang điều trị cho khoảng 40 ca bệnh mắc tay chân miệng điều trị nội trú, trong đó có 1 ca bệnh nặng phải truyền kháng thể. Hiện nay, thuốc Phenobarbital tại bệnh viện vẫn còn nhưng rất hiếm. Chúng tôi phải lên kế hoạch sử dụng thuốc hợp lý, tránh lãng phí. Đồng thời, bệnh viện đang chờ phản hồi sau khi đã báo cáo bộ Y tế”, ông Tiến nói.
Các bác sĩ cho biết, Phenobarbital là thuốc điều trị co giật ở người lớn và trẻ em, đặc biệt khi bệnh nhân mắc tay chân miệng bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B). Với thời gian điều trị lâu dài, thuốc này ít gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp. Do đó, Phenobarbital được ưu tiên dùng đối với các bệnh có co giật ở trẻ như tay chân miệng, động kinh, rối loạn tiêu hóa, vàng da sơ sinh.
Khẩn cấp sử dụng thuốc thay thế
Chiều 5/10, đại diện phòng nghiệp vụ Dược của sở Y tế TP.HCM đã khẳng định, theo phác đồ điều trị của bộ Y tế, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc chống co giật khác thay thế cho Phenobarbital trong tình hình chưa có thuốc này như hiện nay.
Thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/1ml là thuốc hướng thần thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Phenobarbital có tác dụng chống co giật, đặc biệt thường dùng cho trẻ sơ sinh trong điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng.
Hiện nay, trên thị trường chỉ có 1 loại thuốc tiêm Phenobarbital đang lưu hành là Danotan 100mg/ml (Nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd, Hàn Quốc) do công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu và phân phối.
Trong lúc không có thuốc Phenobarbital, các bệnh việc được hướng dẫn sử dụng thuốc khác thay thế.
Từ tháng 6 vừa qua, sở Y tế TP.HCM đã nhận được công văn của bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2 và bệnh viện Nhi đồng thành phố thông báo về dự kiến tình hình thiếu thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml do công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 ngưng nhập khẩu thuốc. Trong khi thuốc Danotan 100mg/ml đã nhập và bảo quản tại kho của nhà phân phối và các bệnh viện có hạn sử dụng đến ngày 27/9/2020.
Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn các đơn vị mua thuốc dự trữ và sử dụng đến hết hạn dùng của thuốc. Đồng thời, sở Y tế TP cũng đã có công văn kiến nghị cục Quản lý Dược, bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các bệnh viện.
Thế nhưng, nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd không tiếp tục sản xuất thuốc Danotan nên cục Quản lý Dược đã có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng thuốc thay thế. Đến nay vẫn chưa tìm được nhà cung cấp mới.
Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh: “Thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml không phải là thuốc chống co giật duy nhất trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng diễn biến nặng do bộ Y tế ban hành. Đó là thuốc ưu tiên sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ và đã được các bác sĩ quen sử dụng cho bệnh nhi có chỉ định kể từ rất lâu”.
Trong tình hình không có thuốc như hiện nay, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital theo các phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác trong thời gian sớm nhất.
Làm sao để chủ động phòng tránh?
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (HCDC) khuyến cáo: “Đây là thời điểm dễ bùng phát bệnh tay chân miệng, do học sinh đã tập trung đi học lại. Nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng trong trường học thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày”.
Đồng thời, trường học có người mắc bệnh tay chân miệng phải khử khuẩn hằng ngày với nồng độ 2% Cloramin trong một lít nước, liên tục trong vòng 10 ngày đối với các đồ chơi của trẻ, sàn nhà, các bề mặt, các kệ đồ chơi, cánh cửa, tay nắm cửa phòng.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.
Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường tấn công nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Khi mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao nhất diễn ra trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng nhất, cần duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, kể cả người lớn có tiếp xúc với trẻ để ngăn chặn nguồn lây bệnh.