Chiều 30-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
Cung cấp thông tin về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết tối 29-7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Văn bản 6118 về tiêm vắc-xin Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở TP HCM. Trong văn bản này, Bộ Y tế tháo gỡ nhiều vướng mắc để tăng tốc độ tiêm vắc-xin. Từ chỉ đạo của Bộ Y tế, TP HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn cho lực lượng tổ chức tiêm vắc-xin để triển khai. Theo đó, TP HCM sẽ tổ chức tiêm cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó vẫn duy trì việc tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.
"Ngoài đối tượng ưu tiên đã quy định cụ thể trong đợt 5 thì tất cả người dân trên 18 tuổi ở TP HCM sẽ được tiêm vắc-xin. Việc tổ chức tiêm không ràng buộc vào các đối tượng nữa mà sẽ tiêm sao cho có độ phủ nhanh" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định. Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên định hướng mục tiêu trong tháng 8 cơ bản có 2/3 số người trên 18 tuổi ở thành phố được tiêm vắc-xin. Để làm được điều này, TP HCM cần khoảng 5 triệu liều vắc-xin trong tháng 8.
Về nguồn vắc-xin, ông Dương Anh Đức cho biết có 2 nguồn. Một là từ phân bổ của Bộ Y tế. Bộ Y tế cam kết hỗ trợ vắc-xin liên tục cho TP HCM, tiêm đến đâu, bộ sẽ hỗ trợ đến đó. Nhiệm vụ của TP HCM là làm sao tổ chức tiêm cao nhất có thể, không vi phạm quy định Chỉ thị 16.
Nguồn thứ 2 là từ các nhà tài trợ. Ngày 31-7 sẽ có 1 triệu liều vắc-xin từ nguồn này đến TP HCM. Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định việc mở rộng đối tượng tiêm có ý nghĩa là tất cả người dân có cơ hội được tiêm. "Người dân TP được định nghĩa rất rộng. Người dân trên 18 tuổi đang sinh sống tại TP HCM đều được tiêm, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp, quy củ để việc tiêm được tổ chức nhanh nhất có thể" - ông Đức nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đợt 5 đã tiêm được hơn 450.000 người. Hiện tốc độ tiêm vắc-xin mỗi ngày đều trên 70.000 liều. Thành phố đang đẩy nhanh tốc độ, đặt mục tiêu tiêm hết 930.000 liều tối đa trong 2 tuần. Ngay khi kết thúc đợt 5, TP HCM sẽ triển khai đợt 6, vắc-xin về đến đâu, TP HCM tổ chức tiêm đến đó.
Thành phố sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các lực lượng công, tư và tổ chức tiêm linh động như thành phố vẫn làm. Ví dụ doanh nghiệp đang sản xuất "3 tại chỗ" sẽ được tổ chức tiêm tại nơi đang sản xuất để bảo đảm quy định và duy trì sản xuất. Để bảo đảm năng suất, tùy khả năng, thành phố được tiêm không giới hạn số lượng. Trước đó, kế hoạch của thành phố là 120 liều/ngày, sau đó nâng lên 200 liều/ngày theo quy định của Bộ Y tế. Trong điều kiện cần thiết, thành phố sẽ tổ chức tiêm cả buổi tối. Do đó, trong nhóm đối tượng được phép ra đường sau 18 giờ, TP HCM sẽ bổ sung thêm lực lượng tiêm và người đi tiêm.
Ông Dương Anh Đức lưu ý: "Sau khi tiêm vắc-xin, khoảng hơn 1 tháng mới phát huy tác dụng liều 1 và sau 1 thời gian tương ứng mới phát huy tác dụng của vắc-xin, do đó đề nghị người dân dù có tiêm cũng không được chủ quan, vẫn phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế".
Theo BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19, địa phương nên phát giấy đồng ý tiêm chủng tại nhà. Cần khai báo tiền sử bệnh, trong đó quan trọng là tiền sử dị ứng, khai báo tầm soát sức khỏe trước khi tiêm, cam kết thực hiện đồng ý tiêm cũng được thực hiện tại nhà, giúp bác sĩ nhanh chóng có thông tin thì sẽ rút ngắn thời gian tiêm mà vẫn bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người dân.
"Để tránh xảy ra tai biến sau tiêm, việc ngồi chờ 30 phút khi vừa tiêm xong là rất tốt, đặc biệt đối với một số người có bệnh nền. Tuy nhiên, một số người không có bệnh lý chỉ cần theo dõi 15 phút nhằm giảm áp lực theo dõi sau tiêm mà vẫn bảo đảm quy trình tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế" - BS Nam đề xuất.
H.Yến