Trong cuộc họp báo giới thiệu kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ít phút trước đây, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh đã giải thích thêm về kết quả thống nhất cao 100% khi Trung ương bỏ phiếu giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thay cho ông Trần Đại Quang vừa mất đột ngột cách đây hơn hai tuần.
Theo đó, toàn bộ 175 ủy viên trung ương đã bỏ phiếu tán thành phương án nhân sự do Bộ Chính trị đề xuất. “Đồng chí Đinh Thế Huynh là thành viên duy nhất vắng mặt tại Hội nghị do đang điều trị bệnh”.
Trả lời câu hỏi tới đây liệu có chủ trương nhập Văn phòng Chủ tịch nước vào Văn phòng Trung ương không, ông Vĩnh khẳng định không hề có chủ trương này.
“Bốn văn phòng ở trung ương, gồm Văn phòng Trung ương đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội đã có quy chế phối hợp để cùng tham mưu, giúp việc tốt cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thời Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước cũng vẫn tồn tại song song hai văn phòng”- ông Vĩnh nói.
Ngoài ra, người chủ trì cuộc họp báo khẳng định việc Trung ương giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước không có nghĩa là mô hình người đứng đầu Đảng đồng thời là Chủ tịch nước đương nhiên sẽ được tiếp tục trong các nhiệm kỳ sau. Bởi đây là quyết định cho nhiệm kỳ này. Còn tiếp theo thế nào thì Trung ương, Đại hội Đảng sẽ quyết định.
“Và cũng không nên hiểu như vậy là học ở ai đó. Ta có sẵn định chế Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước, nhưng khi Bác Hồ ra đi, do điều kiện, hoàn cảnh lúc đấy mà không tiếp tục. Còn nhìn rộng toàn thế giới, người đứng đầu của đảng cầm quyền luôn là nguyên thủ quốc gia, hoặc đứng đầu Chính phủ, hoặc cả hai. Đây không phải chỉ mấy nước láng giềng, mà là tập quán chính trị, là thông lệ. Vì vậy, việc Tổng bí thư đồng thời Chủ tịch nước là tự nhiên, hợp ý Đảng lòng dân. Còn các nhiệm kỳ sau thì tùy quyết định của Trung ương, của Quốc hội”, ông Lê Quang Vĩnh lưu ý.