Theo thông tin trên Thời đại, bé gái sơ sinh được một người qua đường tìm thấy đang co ro trong bụi rậm, không mặc quần áo, khóc một cách yếu ớt.
Vào thời điểm được tìm thấy, cơ thể bé gái chảy nhiều máu, chi chít vết thương do gai nhọn đâm vào làn da nhạy cảm. Sự việc xảy ra tại thành phố Una, bang Gujurat, miền tây Ấn Độ.
Ngay sau đó, người phát hiện đã báo cho cảnh sát và xe cứu thương đưa bé gái đến bệnh viện cấp cứu. May mắn thay, em bé đã được cứu sống. Bác sĩ cho biết làn da và hệ hô hấp của trẻ sơ sinh quá yếu để chống chọi với tạp khuẩn trong bụi rậm, chỉ chậm trễ một chút nữa thôi bé gái sẽ không thể qua khỏi.
Sau khi cẩn thận gắp từng chiếc gai nhọn ra khỏi cơ thể, sức khỏe em đã ổn định và đang trong quá trình hồi phục.
Cảnh sát đã đăng tải thông tin lên các phương tiện truyền thông để tìm cha mẹ ruột của đứa trẻ. Họ nghi ngờ vì không phải là con trai nên em đã bị bỏ rơi do tình trạng phân biệt giới tính ở đất nước này.
Tại Ấn Độ, con gái đi lấy chồng thường tốn một khoản của hồi môn rất lớn khiến không ít cô gái "ế tới già" do gia đình quá khó khăn. Vậy nên tại một số vùng quê nghèo, việc sinh con gái được coi như gánh nặng tài chính, trong khi đó sinh con trai lại "có lợi" hơn nhiều vì sẽ tiết kiệm và có người chăm sóc khi về già.
Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, ước tính có tới 50 triệu trẻ em gái bị bỏ rơi tại Ấn Độ, hệ quả của việc phân biệt và lựa chọn giới tính.