Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các thầy cô giáo, học sinh và đã trở thành một ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta - một dân tộc với hàng nghìn năm văn hiến, có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Theo nguyện vọng của các thầy cô giáo và những người làm giáo dục trên cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định số 167/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giáo giới nước ta và đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người lao động mới vừa có đức, vừa có tài, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Một trong những ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đó chính là việc ngày này nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ đến thầy cô - những con người đã góp phần giúp chúng ta có được một định hướng rõ ràng cả trong công việc lẫn cuộc sống. Để có được thành công như hôm nay, chắc chắc thầy cô đóng vai trò không hề nhỏ. Họ chính là những người “lái đò” đầy tận tâm, nhiệt huyết với sứ mệnh “trồng người”, luôn hết mình trong từng bải giảng và không ngừng phát triển bản thân để truyền đạt cho học sinh những bài học tuyệt vời nhất.
Mỗi năm cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, khắp mọi nơi, không chỉ học sinh mà gần như người dân trên toàn đất nước đều rạo rực với rất nhiều hoạt động. Từ việc chuẩn bị những món quà ý nghĩa tặng thầy cô như hoa, thiệp, sách sổ cho đến các hoạt động chào mừng nhằm tôn vinh vai trò của các nhà giáo. Với không khí tươi vui, đầy phấn khởi như vậy, ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 một lần nữa lại được khẳng định, “Dưới ánh sáng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”!
Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò giành cho người thầy và còn được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… để tỏ lòng trân trọng, thành kính của xã hội dành cho các thầy cô giáo. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng phải khẳng định rằng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo. Đến đây, ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại được nâng lên một tầng mới: các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” thầy giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho chúng ta những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.