Chi phí nhân 5, áp lực cũng nhân 5
Đối với nhiều bậc cha mẹ, quá trình mang thai, sinh con, chăm sóc và nuôi dạy một đứa bé đã là áp lực vô cùng và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Vậy mà suốt 7 năm qua, gia đình anh Nguyễn Thanh Hiếu (46 tuổi) và chị Lê Huỳnh Anh Thư (36 tuổi), ngụ quận 5, TP.HCM phải gồng gánh tới 5 đứa trẻ cùng một lúc.
Theo tính toán của chị Thư, chi phí lo cho 5 con tằn tiện lắm cũng tiêu tốn gần 20 triệu đồng, chưa kể những lúc chúng bị bệnh. Trong đó, tiền học, chủ yếu là tiền ăn bán trú của các bé cũng tốn khoảng 8 - 9 triệu đồng mỗi tháng.
Bà Nguyễn Thị Kim (63 tuổi), bà nội của 5 bé cho biết, hàng ngày bà đi chợ, chi tiêu trên dưới 100.000 đồng, chưa kể tiền sữa cho các cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn.
5 đứa trẻ 7 tuổi này chính là niềm vui và động lực cố gắng của cả gia đình chị Thư.
Chị Thư tâm sự: “Nhiều lúc mấy đứa nhỏ đi học về cứ đòi mẹ đóng tiền để nhà trường dẫn đi chơi. Nhưng đóng một lần 5 đứa cũng tốn gần triệu đồng. Thương con nhưng kinh tế không cho phép nên tôi đành chịu”.
“Từ khi mang thai, tôi phải nghỉ việc. Hồi mang bầu tháng thứ 6, tôi không thể làm được gì nữa, không lên xuống cầu thang được, thở thôi cũng thấy mệt. Sau khi sinh năm đứa nhỏ, phải dành thời gian để chăm sóc chúng, tôi cũng không còn nghĩ đến việc đi làm”, chị nói thêm.
Giờ đây, thu nhập chính của gia đình nhờ vào anh Hiếu. Anh chạy taxi, lúc trước lái 1 ngày nghỉ 1 ngày. Còn bây giờ, anh “ôm” xe đi từ 6h sáng đến 1 - 2h đêm, có khi anh chạy xuyên đêm, đến gần trưa hôm sau mới về đến nhà.
Bên cạnh đó, khi các bé đi học, chị Thư cũng tranh thủ công việc bán hàng online để chủ động thời gian.
Công ty Mai Linh, nơi anh Hiếu làm việc, mỗi tháng cũng hỗ trợ gia đình 5 triệu và cam kết hỗ trợ đến khi các bé 18 tuổi. Anh Hiếu tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ từ công ty, vợ chồng tôi cũng chưa biết xoay sở như thế nào”.
Những ngày tháng vất vả xen lẫn hạnh phúc
Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi chăm bẵm 5 đứa con, chị Thư kể: “Mặc dù bà ngoại, bà nội đều cùng tôi chăm sóc các con, thế nhưng chuỗi ngày này vẫn thực sự khủng khiếp đối với tôi. Hai bà và mẹ luân phiên thay tã, cho bú,... nhưng hết đứa này đến đứa kia thay nhau khóc. Đêm đến tôi chỉ nằm lim dim chứ không thể ngủ yên giấc”.
Nhưng dần rồi cũng quen, nhìn 5 đứa con: Nguyễn Lê Quách Thế Huynh, Nguyễn Lê Quách Thế Đệ, Nguyễn Lê Quách Thế Lộc, Nguyễn Lê Quách Phượng, Nguyễn Lê Quách Muỗi lớn lên bình an, khỏe mạnh, gia đình chị cũng cảm thấy biết ơn, mãn nguyện.
Ở độ tuổi hiếu động, 5 anh em không ít lần khiến mẹ và bà nội la khàn cả giọng.
Mỗi ngày, chị dậy từ 5h để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa sáng, kêu các con dậy, làm vệ sinh và cho chúng ăn uống rồi đưa đi học. Do có tận 5 bé nên anh Hiếu và chị Thư phải chạy xe chở 2 lượt mới xong.
Chiều đến, chị lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, đón các con về nhà cho ăn, tắm rửa và kiêm luôn cả vai trò cô giáo dạy kèm các con.
Những ngày cuối tuần các bé ở nhà, bà Kim và chị Thư chia nhau người đi chợ, người ở nhà chăm nom các bé. Càng lớn, các bé càng hiếu động khiến người lớn không ít vất vả. Hễ cho 5 bé ngồi gần nhau là “oang oang”, “chí chóe” khắp nhà. Chị Thư la đến khàn cả cổ vẫn không đứa nào chịu ngồi yên.
Mỗi bữa cơm, 5 đứa nhỏ được chia làm 2 nhóm. Mẹ chồng chị chăm 2 bé gái, còn chị chăm 3 bé trai. Vì, nếu để chúng ngồi gần nhau thì “không biết khi nào mới ăn xong”.
Trưa thứ Bảy hàng tuần, gia đình đưa các bé lên chùa học giáo lý và các môn năng khiếu. Một phần để gieo cho các cháu tâm thiện, một phần để bà nội và mẹ có thời gian dọn dẹp, trông nom nhà cửa.
Chị Thư cho biết: “Giờ chỉ mong vợ chồng có đủ sức khỏe để lo cho mấy đứa nhỏ tới nơi tới chốn. Dù mệt mỏi nhưng các con chính là động lực cố gắng của gia đình tôi”.
Từ đám cưới mai mối đến ca sinh 5 duy nhất ở
Anh Nguyễn Thanh Hiếu và chị Lê Huỳnh Anh Thư biết đến nhau nhờ vào sự mai mối của người thân. Sau gần nửa năm quen nhau, anh chị quyết định về chung một nhà trong niềm hân hoan của hai bên gia đình.
Sau 2 năm kết hôn vẫn chưa có con, chị Thư đi khám mới biết mình mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Cơ chế của buồng trứng đa nang làm cho rối loạn phóng noãn, trứng không rụng và khó mang thai.
Anh chị được khuyên nên thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, vợ chồng chỉ có thể dùng phương pháp kích trứng giao hợp tự nhiên và được cảnh báo sẽ có rủi ro mang đa thai. Quả thật, chị Thư mang đa thai như dự báo.
Chị Thư nhớ lại: “Lần đầu đi siêu âm, bác sĩ báo là sinh ba, tôi choáng váng đi không nổi, sợ không đủ sức khỏe và khả năng chăm sóc con”.
Lúc đó, chị Thư chỉ có 46 kg nên bác sĩ nhiều lần khuyên chị nên bỏ bớt 1 bào thai để không nguy hiểm đến mẹ và con, nhưng chị không đành lòng và quyết tâm giữ lại. “Con của mình trông ngóng hơn 2 năm trời, tôi và chồng không nỡ, tự trấn an nhau, càng đông càng vui nên cố gắng”, chị nói.
Đến tuần thứ 4 bác sĩ lại thông báo là chị sinh 4, lúc này cả nhà đều hoang mang, lo lắng. Tuần 34, chị chuyển dạ, phải mổ lấy thai nhi ra. Chị kể: “Bác sĩ lấy lần lượt 4 đứa ra, lúc định khâu bụng lại thì đứa thứ 5 thò chân ra ngoài. Đến lúc này bác sĩ mới biết tôi mang thai 5 chứ không phải 4 như dự tính”.
Chị Thư mong vợ chồng luôn khỏe mạnh để chăm sóc, nuôi dạy các con tới nơi, tới chốn.
“Tỉnh dậy sau sinh, mẹ thông báo là cả 5 đứa đều bình an, 3 trai 2 gái, đứa lớn nhất nặng 2 kg, nhỏ nhất 1,3 kg. Tôi choáng váng hỏi lại "5 đứa hả mẹ?" rồi thiếp đi luôn. Lúc đó, nghe mẹ kể lại là chồng đang đi chạy taxi nên mẹ cũng chưa dám báo vì sợ anh sốc quá chạy không được”, chị nhớ lại.
Đến tận bây giờ, có lẽ 19h10 ngày 17/3/2013 vẫn luôn là thời khắc không thể nào quên đối với chị Thư và gia đình, đánh dấu sự ra đời kỳ diệu của 5 đứa con, mà chị đã quyết định đánh cược cả và tính mạng của mình để sinh ra.