Vỏn vẹn khoảng 10m2, tiệm giặt là Sáng nằm bên bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) của 3 cô gái Lương Kiều Thúy, Phạm Thúy và Thu Ngân được sắp xếp gọn gàng, xinh xắn. Đây được coi là một mô hình điểm trong cộng đồng những người khiếm thính Việt Nam trên hành trình hòa nhập cộng đồng.
Người sáng lập ra mô hình này là chị Lương Kiều Thúy (31 tuổi). Chị Thúy bị khiếm thính từ năm 10 tuổi nên mọi sinh hoạt, giao tiếp, học tập của chị gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không nản chí, chị Thúy cố gắng học hỏi, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà báo. Học xong lớp 12, chị Thúy đỗ vào trường Cao đẳng truyền hình nhưng sau khi hoàn thành chương trình học, chị nhận thấy nghề báo không phù hợp với mình và cộng đồng những người khiếm thính.
Từ bỏ mơ ước, chị học ngôn ngữ kí hiệu và tham gia các dự án xã hội dành cho người khiếm thính. Khi thực hiện dự án nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội năm 2019, chị Lương Thúy nhận ra rằng, nghề nghiệp của người điếc hiện tại chỉ xoay quanh các công việc phổ thông, ít có tính sáng tạo.
Vốn là người năng động, nhanh nhạy và không chịu ngồi yên, chị Thúy luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động của người khuyết tật. Qua quá trình nghiên cứu học hỏi chị Thúy nhận thấy giặt là là một mô hình rất phù hợp cho người điếc hoặc khiếm thính.
Chị Thúy bắt đầu mở tiệm giặt là giữa mùa dịch Covid-19 với hai bàn tay trắng dù chị hiểu rất rõ những rào cản mà mình gặp phải như ngôn ngữ, sự tự ti... nhưng cũng từ đó “Tiệm giặt là của người điếc” đầu tiên tại Hà Nội ra đời vào tháng 12/2020.
Ban đầu cửa hàng cũng gặp nhiều khó khăn do việc giao tiếp với khách hàng còn hạn chế, thế nhưng sau một thời gian làm quen lượng khách ngày càng đông, doanh thu của tiệm giặt là cũng vì thế dần ổn định.
Là một trong 3 nhân viên của tiệm giặt là hạnh phúc, Thu Ngân năm nay mới 18 tuổi, vốn là người tự ti, ít giao tiếp xã hội nhưng từ ngày vào tiệm giặt là cô bé nhút nhát ngày nào đã vui vẻ tự tin hơn rất nhiều. Ngân chia sẻ cô yêu công việc của mình, mỗi ngày cô đều cố gắng để hoàn thành công việc tốt nhất, học thêm các kí hiệu để giao tiếp với khách hàng ngày một tốt hơn.
“Em rất may mắn khi có bố mẹ luôn bên cạnh yêu thương. Còn ở tiệm giặt là chúng em coi nhau như người thân, gia đình thứ hai của mình, các chị đều là người hiểu tâm lý của người điếc, có sự đồng cảm và luôn đối xử tốt với chúng em. Ở đây em có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng giúp em học hỏi được nhiều kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và tự tin hơn”, Thu Ngân chia sẻ.
Để khắc phục khó khăn trong giao tiếp, các cô gái khéo léo nhắc nhau đẩy mạnh tương tác với khách hàng, tạo nguồn khách mới thông qua mạng xã hội.
“Doanh thu hàng ngày của quán đến bây giờ đã vào khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày, có ngày đặc biệt đông khách doanh thu có thể lên tới hơn 2 triệu đồng/ngày”- chị Thúy vui vẻ cho biết.
Sau những thành công của tiệm giặt là Sáng - tiệm giặt là của người điếc đầu tiên tại Hà Nội, chị Thúy đã mở thêm một cơ sở mới ở ngõ 41 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội). Tiệm giặt giờ đây không chỉ là cơ sở kinh doanh đơn thuần mà còn là địa điểm giao lưu gặp gỡ, học tập kỹ năng giao tiếp cũng như tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người khiếm thính, giúp họ tự tin hơn, sống vui vẻ hơn mỗi ngày.
Đặc biệt, tiệm giặt người điếc còn giúp thay đổi định kiến của nhiều người trong xã hội về người khuyết tật. Đây chính là điều khiến chị Thúy và những nhân viên tại tiệm giặt là cảm thấy tự hào về công việc của mình.