Quá cùng cực, cha mẹ già lên Sài Gòn mưu sinh
Vợ chồng ông Danh Đê (55 tuổi, người dân tộc Khơ-me, quê ở Kiên Giang) vốn làm nghề cắt lúa, gánh lúa thuê. Cứ 1-2 giờ sáng, ông và vợ đi đến những cánh đồng, người khom lưng cắt, người gánh lúa về sân. Công việc bắt đầu từ khuya đến 4-5 giờ chiều. Hết mùa gặt, ông bà đi nhổ cỏ, hái rau thuê, kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi 4 đứa con trưởng thành.
Khi con cái đã lập gia đình và có cuộc sống riêng cũng là lúc việc cắt lúa được cải tiến thay bằng máy móc, ông bà liên tục đi làm mướn nhưng do tuổi đã lớn nên cũng chẳng mấy ai thuê. "Bây giờ người ta đã gặt bằng máy hết rồi, vợ chồng tôi đâu có đi làm được nữa. Đi làm thuê nhổ rau thì cũng không ai thuê, vì dưới đó họ toàn làm lúa, mùa gieo trồng thì thuê người trẻ làm. Tôi nói thật tình với cô, tôi với chồng ở quê đi làm, 1 tháng kiếm không được 200 ngàn. Tôi với ông ấy toàn đi hái rau dại ăn cho qua bữa.
Bốn đứa con tôi đã lớn, cũng đã lập gia đình. Nhưng đứa nào cũng nghèo khổ, toàn đi làm phụ hồ. Nó cũng phải lo cho chồng con nữa, nên vợ chồng tôi còn sức khỏe thì còn làm, ăn rau dại cũng được nhưng không muốn trở thành gánh nặng cho con cái" - Bà Ninh chia sẻ.
Thấy cuộc sống quá khó khăn, không có việc làm nuôi bản thân, lại nghĩ sợ những lúc ốm đau không có đồng tiền nào để chạy chữa, bà Ninh bàn với chồng lên TP.HCM làm công nhân. Đầu tháng 8/2019, hai vợ chồng bà Ninh lên TP.HCM và được hàng xóm giới thiệu làm công nhân tại một nhà máy sản xuất chai nhựa.
"Tôi bàn với chồng là bây giờ khổ quá rồi, tiền bạc không có mà ở quê cũng không biết làm gì ra tiền nên thôi đi lên Sài Gòn làm công nhân như mấy người trong xóm vậy. Hàng ngày, tôi đi làm công nhân, ông ấy đi rửa chén rửa bát cho người ta thì cũng có đồng ra đồng vào lo cho cái thân. Thế là ông ấy đồng ý rồi 2 vợ chồng lên trên này làm được nửa tháng rồi".
Gia đình không có tiền chạy chữa, xin bác sĩ cho về đợi điều gì đến sẽ đến
Vừa làm được mấy ngày, ông Đê bị sốt và ho liên tục nhưng uống thuốc không bớt, dù vậy, ông vẫn cố gắng đi làm. Đến ngày thứ 3, ông Đê bị sốt cao, tụt huyết áp, sức khỏe yếu hẳn và nằm mê man bất tỉnh. Người trong xóm trọ thương tình đưa ông đến bệnh viện quận 12 cấp cứu và sau đó được chuyển lên bệnh viện Quân y 175 cứu chữa.
Tại Khoa cấp cứu bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng vào từ đường phổi. Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành xử lý huyết áp rồi chuyển về chuyên khoa Lao và Bệnh phổi để tiếp tục điều trị lâu dài.
"Khi biết tin chồng tôi được cứu sống, tôi mừng lắm, tôi cảm ơn chân thành. Nhưng họ thông báo viện phí cứu chữa lên đến hơn 22 triệu đồng, tôi nghẹn lòng không biết lấy đâu ra tiền mà trả. Ở quê nghèo quá, không tiền không bạc mới lên Sài Gòn làm. Mới làm được năm bữa nửa tháng đã bị lâm bệnh nặng, giờ người tôi không còn 1 đồng bạc. Tôi xin bác sĩ cho chồng tôi về chứ tôi không có tiền chạy chữa. Mấy đứa con ở quê nghe tin cha bị bệnh, nó muốn lên thăm lắm nhưng cũng không có vài chục ngàn đi xe đò lên" - Bà Ninh nói trong hai hàng nước mắt.
Tuy gia đình chưa thanh toán viện phí nhưng đội ngũ y bác sĩ khoa Cấp cứu vẫn chuyển ông Đê qua khoa Lao và Bệnh phổi để được điều trị. Tại đây, bà Ninh đã khóc, tiếp tục xin bác sĩ để mình đưa chồng về vì hiện tại đã nợ viện phí rất nhiều mà không có khả năng chi trả. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn, bác sĩ khoa Lao và Bệnh phổi đã động viên bà Ninh để chồng được điều trị đến khi khỏe mạnh, đồng thời, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để có chi phí cứu chữa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Danh Đê cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, sốc nhiễm trùng vào từ đường phổi. Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân được chuyển đến khoa chúng tôi, ông vẫn còn sốt cao, khó thở. Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định hơn.
Vì không có tiền đóng viện phí nên gia đình đã xin về, đợi điều gì đến rồi sẽ đến. Nhưng chúng tôi đã hết lòng khuyên, động viên gia đình và bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị đến khi khỏe mạnh, trở về nhà. Gia đình họ không có tiền nên sống bằng cơm từ thiện và để dành từng đồng mua nước uống.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn nhưng vẫn còn sốt nhẹ, phải được tiếp tục điều trị để nhanh chóng khỏe mạnh. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân rất khó khăn nên chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh về tinh thần và vật chất, giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật, sớm trở về nhà".
Mọi đóng góp giúp đỡ ông Đê vượt qua căn bệnh quái ác, quý độc giả vui lòng gửi về:
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM)
Số tài khoản: 2011100038004 - Ngân hàng Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Nội dung: Giúp đỡ bệnh nhân Danh Đê, Khoa Lao và Bệnh phổi
Điện thoại: 0378891986 (gặp anh Nguyễn Quang Thuấn, Ban Bảo vệ an ninh dân vận)
Hoặc xin gửi về:
CƠ QUAN ĐẠI DIỆN BÁO GIA ĐÌNH VIỆT NAM TẠI TP HCM
Số tài khoản: 040 01 01 0085 449 - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), chi nhánh TP.HCM
Nội dung: Giúp đỡ ông Đê - Mã số 52
Với những độc giả ở nước ngoài muốn đóng góp ủng hộ, xin vui lòng gửi về:
Tên tài khoản: CƠ QUAN ĐẠI DIỆN BÁO GIA ĐÌNH VIỆT NAM TẠI TP HCM
Số tại khoản: 040 01 37 0038 251
Loại tiền: USD
Ngân hàng: Vietnam Maritime Commercial Stock Bank - HCM City Branch.
Mã số SWIFT (SWIFT Code): MCOBVNVX003
Mọi chi tiết xin liên hệ Email: info@phunusuckhoe.vn hoặc Số điện thoại: 0909 750 307
Trân trọng cảm ơn!
“