Nội dung bài viết:
Những biểu hiện cho thấy cơ thể bạn đang thiếu kali
Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên Pcbaby khuyến cáo, mỗi ngày tiêu chuẩn của người trưởng thành phải dung nạp khoảng 4700mg kali. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng bạn bị thiếu kali nếu như bạn hấp thu quá nhiều natri (thực phẩm có nhiều muối), làm tiêu hao kali nhiều hơn. Khi phát hiện những triệu chứng sau, bạn nên cân nhắc bổ sung thực phẩm giàu kali cho cơ thể.
Thường xuyên mệt mỏi
Mỗi một tế bào trong cơ thể con người đều cần một lượng kali thích hợp để đảm bảo chức năng vận chuyển. Nếu thiếu kali, năng lượng tế bào không đủ nên bạn sẽ dễ có cảm giác mệt mỏi. Ngay cả khi bạn ngủ đủ giấc nhưng sau khi vận động nhẹ vẫn uể oải quá mức thì nên tăng cường bổ sung thực phẩm nhiều kali.
Huyết áp lên cao
Kali giúp các mạch máu được thư giãn, nếu cơ thể thiếu hụt nguyên tố này thì mạch máu sẽ có nguy cơ co rút lại, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Đây cũng là lý do các bác sĩ khuyên bạn nên kiểm tra huyết áp định kỳ để sớm phát hiện nguyên nhân và điều trị.
Cơ bắp suy nhược, dễ bị chuột rút
Kali đóng vai trò quan trọng đối với chức năng co giãn của các cơ. Nếu bạn bị thiếu kali, cơ bắp sẽ dễ có hiện tượng bị đau nhức, thậm chí là tê cứng và thường bị chuột rút. Trong nhiều loại quả thì chuối giàu kali nên được các chuyên gia khuyến khích người trước khi bơi lội có thể ăn một quả chuối để phòng ngừa chuột rút.
Tim đập không ổn định
Nhịp tim không đều, có hiện tượng bồn chốn giống như khi con người lo lắng, hoảng loạn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều, trong đó có cả khả năng cơ thể bạn bị thiếu kali.
Thường bị chóng mặt
Khi cơ thể thiếu kali nghiêm trọng, nhịp tim có thể chậm lại đến mức đôi lúc bạn cảm thấy gần như nó không hề đập, kèm theo đó là triệu chứng choáng váng thường xuyên. Nếu có biểu hiện này, bạn nên chú ý kiểm tra xem cơ thể thiếu hụt dưỡng chất gì, trong đó bao gồm cả nguyên tố kali.
Táo bón
Thiếu kali sẽ khiến hiệu quả làm việc của các cơ quan trong cơ thể chậm lại, hệ tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Bạn sẽ thường xuyên bị táo bón, có khi còn kèm phù thủng và đau râm ran ở bụng. Vì vậy, kịp thời bổ sung thực phẩm giàu kali rất có lợi đối với nhiều phương diện sức khỏe của bạn.
Các nhóm thực phẩm giàu kali phù hợp để bạn bổ sung cho cơ thể
Các loại thực phẩm giàu kali và natri có thể nói là không hiếm và đa số được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng chính là nguồn nguyên liệu đến từ thực vật. Tuy nhiên, thịt động vật cũng có thể bổ sung kali và các dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể, quan trọng là bạn hấp thu các nguyên tố một cách thích hợp để phát huy hiệu quả.
Nhóm thực phẩm giàu kali đầu tiên phải kể đến bao gồm bắp, hẹ, giá đậu nành, xà lách, thịt nạc heo, thịt dê, thịt bò, táo tàu, chuối v.v… Thông thường mỗi 100g của nhóm thực phẩm này chứa khoảng 270mg – 500mg hàm lượng kali.
Tiếp theo, thực phẩm giúp bạn bổ sung kali an toàn còn có các loại đậu, hạt sen, nấm, rong biển. Mỗi 100g các loại thực phẩm này thường có chứa thành phần kali đến 1000mg trở lên. Trong khi đó, cải bó xôi, măng, mộc nhĩ v.v… thường chứa kali khoảng trên 500mg/100g.
Ngoài ra, nguồn kali trong trái cây cũng rất lý tưởng để bạn dung nạp cho cơ thể. Đặc biệt, chuối chính là loại quả tương đối an toàn và hiệu quả khi lựa chọn những thực phẩm giàu kali cho bà bầu. Theo số liệu phân tích, mỗi 100g chuối chứa đến 330mg kali, trong khi ở táo chỉ khoảng 119mg, lê 92mg, nho 104mg, dưa hấu 87mg.
Xoài cũng là loại quả có giá trị dược liệu tốt đối với cơ thể con người. Theo đông y, xoài có vị ngọt hơi chua, có công hiệu giải khát, lợi tiểu, chống nôn v.v… Trong quả xoài có chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng quan trọng, điển hình như vitamin A, C, carotene, kali, chất xơ thô v.v…
Trong số các loại rau chứa nhiều kali thì rong biển càng được khuyến khích dùng trong thực đơn hằng ngày của bạn. Trong 100g rong biển tươi có chứa 4.36g kali, ngoài ra còn có 2.25g canxi, 0.21g phốtpho, 0.15g sắt, 0.34g Iốt cùng nhiều nguyên tố vi lượng khác. Rong biển khô cũng chứa hàm lượng kali cao không kém, khoảng 1640mg/100g.
Một loại thực phẩm giàu kali phù hợp để bạn bổ sung kali cho cơ thể nữa chính là cải bó xôi. Mặc dù nó được xem là có giá trị dinh dưỡng ở mức trung bình nhưng hàm lượng mỗi loại tương đối cân bằng và cũng rất giàu kali. Thường xuyên ăn cải bó xôi không những bổ sung kali hiệu quả mà còn có nhiều công dụng khác như thanh nhiệt, bổ máu, ngừa lão hóa v.v…
Những món ăn dễ làm nhưng có hiệu quả bổ sung kali cho bạn
Canh rong biển hầm xương heo
Nguyên liệu: 2 cây sườn heo, 20g rong biển tươi hoặc khô tùy thích, 10g thịt con trai (có thể thay thế bằng nghêu), 500 bí đao, muối ăn.
Cách thực hiện: Rong biển, thịt trai, bí đao sơ chế chuẩn bị sẵn. Cho tất cả nguyên liệu cùng với sườn heo đã chặt thành khúc vào nồi, đổ nước sạch nấu sôi, hầm trong khoảng 2 tiếng cho xương mềm, nêm muối và gia vị vừa ăn thì tắt bếp.
Nấm hương xào cải chíp và đậu hũ
Nguyên liệu: Đậu hũ, nấm hương, cải chíp, hành.
Cách thực hiện: Đậu hũ cắt thành miếng, ngâm trong nước muối 15 phút. Nấm hương rửa sạch rồi rạch hình chữ thập phía trên cho dễ thấm gia vị, xào nhanh với nước khoảng 1 phút. Cải chíp rửa sạch để ráo.
Đun sôi dầu ăn khoảng 7 phần rồi cho đậu hũ vào chiên vàng, vớt ra. Dùng chảo khác cho ít dầu ăn, phi thơm hành rồi cho nấm hương, đậu hũ, cải chíp vào đảo đều. Nêm muối và gia vị vừa ăn thì tắt bếp.
Bánh cuộn trứng, nấm hương với hẹ
Nguyên liệu: Hẹ, bánh tráng loại chuyên dụng để tráng chả giò, nấm hương, dầu ăn, muối, trứng gà.
Cách thực hiện: Hẹ rửa sạch, cắt thành đoạn khoảng 2cm, nấm hương cắt sợi. Đun chảo dầu ăn rồi xào chín nấm hương và hẹ, nêm ít muối ăn. Đánh trứng cho tan đều (có thể thêm ít muối), chiên chín thành miếng mỏng, sau đó cắt trứng thành sợi nhỏ khoảng 2cm. Trộn đều trứng, hẹ và nấm hương rồi dùng bánh tráng cuốn lại, chiên vàng bánh tráng là dùng được.