Làng đại học Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) là nơi tập trung đông đảo sinh viên, với gần 50.000 lượt sinh viên đang theo học tại các trường. Song, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi băn khoăn, đe dọa đến sức khỏe của hàng chục ngàn sinh viên sống tại đây.
Khi được hỏi về nguyên nhân biết thực phẩm bẩn mà vẫn ăn, đa số các bạn sinh viên cho rằng ở ký túc xá thì không được nấu nướng, mà giá cả chỉ 10.000 hoặc 12.000 đồng nên các bạn có thể tiết kiệm được tiền ăn và sử dụng cho những việc khác.
Bạn N.T.N.H. (sinh viên Trường Đại học KHXH và NV), bức xúc: “Có lần, tôi ăn ở quán cơm gà xối mỡ T.T. Thấy đùi gà không chỉ khô mà còn có mùi thối, tôi gọi nhân viên lại hỏi nhưng họ nói là mùi của dầu thôi. Thức ăn ở làng không được sạch sẽ, nhưng vì giá rẻ nên sinh viên như tôi phải chấp nhận. Sau đó, tôi bị đau bụng dữ dội và nhờ bạn đưa đến bệnh viện chữa trị”.
Cùng lâm vào cảnh tương tự, anh P.M.T. (22 tuổi), chua chát: “Tôi vào làng ăn mì cay hải sản ở quán N.G. Khi gắp đũa mì thứ 2, tôi phát hiện ra nguyên cục bùn đen còn dính trên cọng rau. Tôi gọi nhân viên lại hỏi nhưng họ không trả lời. Đến lúc tôi đòi gặp quản lý thì họ mới chịu thay đĩa rau khác. Sau lần ăn tô mì, tôi bị ngộ độc thực phẩm và không bao giờ dám tới ăn lần nữa”.
Nói về thực trạng trên, bà L.T.L. (chủ quán hủ tiếu lề đường), bày tỏ: “Thời buổi bây giờ, thực phẩm rất đắt đỏ. Tôi bán một tô hủ tiếu cho sinh viên chỉ có 10.000 đồng thì lời lãi được bao nhiêu. Hủ tiếu lề đường mà, chuyện ruồi bu, kiến đậu phải chịu thôi”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, làng đại học có rất nhiều hàng quán với các loại thức ăn phong phú như: Bún riêu, bò kho, xiên que nướng, mỳ cay…Với giá thành bình dân từ 10.000 đến 15.000 đồng, các bạn sinh viên có thể có một bữa no bụng.
Tuy nhiên, vào một vài quán ăn ở làng, ta dễ dàng nhận thấy việc thức ăn được bày bán sát lề đường, ruồi đậu, nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, đũa muỗng bụi bám, đùi gà, sườn heo được chiên đi chiên lại nhiều lần trên chảo dầu đen kịt… rất mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khách hàng.