Theo đó, số ca được ghép tạng tại Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 4 năm gần đây, số ghép năm sau nhiều hơn năm trước khoảng 100 ca. Mặc dù khởi đầu chậm 27 năm so với quốc tế trong lĩnh vực ghép tạng nhưng đến nay Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác.
Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là hơn 520 ca. Tuy nhiên số ca ghép này, phần lớn là từ người cho sống.
GS.TS Nguyễn Anh Trí- nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Medlatec xúc động chia sẻ tại lễ phát động phong trào hiến mô, tạng với chủ đề trao tặng yêu thương nối dài sự sống do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cùng Bệnh viện Đa khoa Medlatec thực hiện.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Việc đăng ký hiến mô, tạng không chỉ dừng lại là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời. Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một phần cơ thể mình. Đó cũng là cách để họ tiếp tục hiện hữu trong cuộc đời bằng những bộ phận được cấy ghép, nối dài thêm sự sống.
Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: "Trong bối cảnh nguồn tạng khan hiếm, nhiều người bệnh đang mòn mỏi chờ nguồn tạng, trong số đó nhiều người đã ra đi vì không thể tìm được tạng ghép, nghĩa cử của các cán bộ nhân viên Bệnh viện Đa khoa Medlatec khó đong đếm bằng lời. Đây là món quà nhân văn, nghĩa cử đẹp của hơn 600 con người dành cho xã hội, cộng đồng".
Qua đây, Ban Tổ chức cảm ơn hơn 600 nhân viên y tế đã đăng ký hiến mô, tạng, đồng thời hy vọng đây là sự kiện lan tỏa rộng rãi thông điệp hiến tạng cứu người tới tất cả cộng đồng.