Chiều 15/2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Tham dự có lãnh đạo một số bộ và 26 địa phương tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại năm ngoái, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc họp vào ngày mùng 3 Tết, năm nay là vào chiều mùng 4 Tết, điều đó nói lên tình hình dịch bệnh còn nhiều vấn đề đặt ra dù chúng ta có cố gắng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình đó đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Đẩy cao một bước mới
Bên cạnh việc đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình, Thủ tướng cũng muốn lắng nghe ý kiến của các cơ quan, địa phương, nhất là đề xuất biện pháp mới, cần thiết, đặc biệt là những ngày này, xuất hiện một số ca mới ở Hà Nội, dư luận xã hội quan tâm tới trường hợp người Nhật Bản tử vong dương tính với Covid-19.
Thủ tướng ghi nhận thời gian qua, tình hình dịch diễn biến nhanh nhưng với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương, các địa phương, ngành y tế, cơ quan liên quan vào cuộc chủ động, quyết liệt, triển khai kịp thời các hoạt động chống dịch, đã tăng cường lực lượng, có biện pháp giãn cách xã hội ở một số địa phương. Đến nay, hầu hết địa phương cơ bản kiểm soát được tình hình.
Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, đặc biệt là ngành y tế, các trung tâm, thành phố lớn, các tỉnh có ổ dịch. Tuy vậy, tình hình còn diễn biến phức tạp.
Ngoài thảo luận tình hình, Thủ tướng đề nghị thảo luận về các biện pháp mà nhân dân quan tâm như vấn đề vaccine - một vấn đề cấp bách, không chần chừ, do dự - hay vấn đề giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương. Vấn đề dừng tổ chức các lễ hội sau Tết cũng được Thủ tướng đề nghị xử lý rốt ráo.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tập trung thảo luận các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay với tinh thần đẩy cao một bước mới, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Tình hình tại Hải Dương tương đối phức tạp
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trong 16 ngày qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương), đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày, thời gian đầu ghi nhận trung bình 15 ca/ngày, riêng 4 ngày nghỉ Tết gần đây chỉ còn ghi nhận 1-2 ca trong ngày.
Trong vòng 6 ngày nghỉ Tết, (từ 10/2 đến nay) đã ghi nhận tổng cộng 158 trường hợp mắc trong nước tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (138 ca, chiếm 86,8%), Quảng Ninh (6 ca, chiếm 3,8%), Gia Lai (5 ca, chiếm 3,1%), Hà Nội (5 ca, chiếm 3,1%) và TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ ghi nhận một ca.
Nhìn chung tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt.
Bộ Y tế nhận định trong số các tỉnh, thành phố, tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương tương đối phức tạp, có 10/12 huyện có ca nhiễm nhưng cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.
Riêng huyện Cẩm Giàng còn phức tạp, có khả năng kéo dài do có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân, giao lưu đi lại giữa các địa phương lớn. Đây cũng là địa bàn có Công ty Kuroda Kagaku với 12 ca mắc và hơn 400 công nhân của công ty đã cách ly tập trung.
Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM - khi chỉ còn 1 ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.
Bộ Y tế cho rằng khi các địa phương phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25/1 đến nay đã ghi nhận 642 trường hợp mắc trong nước tại tại 13 tỉnh, thành phố. Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.234, trong đó có 1.302 ca trong nước.
Từ 18h ngày 14/2 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc mới, trong đó 4 trường hợp tại Hải Dương đã được cách ly tập trung từ trước và 2 trường hợp tại Hà Nội.
Đáng lưu ý có trường hợp nhập cảnh là chuyên gia Nhật Bản đã đột tử tại khách sạn Summer Set West Point (Hà Nội) vào ngày 13/2. Trước đó chuyên gia này nhập cảnh đã qua cách ly tập trung14 ngày và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV2 (lần 1 ngày 17/1 lần 2 ngày 31/1), sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/2.
Hà Nội ngay lập tức đã phong tỏa tại khách sạn Somesert Westpoint để điều tra, phun khử khuẩn khu vực lấy mẫu và khu vực môi trường xung quanh. Qua điều tra sơ bộ, đã lấy 500 mẫu, trong đó có 18 trường hợp F1.