Đại diện công ty cho biết họ đang tăng tốc nghiên cứu. Giai đoạn hai, với sự tham gia của 600 người, sẽ bắt đầu sớm. Giai đoạn ba dự kiến diễn ra vào tháng 7, trên hàng nghìn tình nguyện viên khoẻ mạnh.
Trước đó, ngày 7/5, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận cho Moderna tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai.
Theo tiến sĩ Tal Zaks, giám đốc y tế của công ty, nếu kết quả khả quan, vaccine ngừa Covid-19 dự kiến sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để sản xuất nhiều (liều vaccine) nhất có thể", tiến sĩ Zaks nói.
Hiện chưa có phương pháp chính thức để ngăn ngừa và điều trị Covid-19. Hàng chục hãng dược tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc ráo riết chạy đua để sản xuất vaccine bằng hình thức khác nhau. Tương tự Moderna, một số đơn vị sử dụng công nghệ dựa trên RNA thông tin (vật liệu di truyền).
Trước đó, công ty cho biết các cá thể chuột nhiễm bệnh được tiêm thử đã sinh kháng thể, có khả năng ngăn chặn virus nhân lên.
Ba liều tiêm thử có nồng độ thấp, trung bình và cao. Kết quả ban đầu của Moderna dựa trên thử nghiệm liều thấp và trung bình ở người.
Tác dụng phụ duy nhất của vaccine là làm đỏ và đau bắp tay nơi tiêm chủng. Khi dùng liều cao nhất, ba bệnh nhân bị sốt, căng cơ và đau đầu. Các triệu chứng biến mất sau một ngày. Tuy nhiên thử nghiệm liều cao bị loại bỏ trong các nghiên cứu tiến hành sau đó, bởi vaccine liều thấp đủ để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus.
"Liều càng thấp, chúng tôi càng sản xuất được nhiều vaccine hơn", tiến sĩ Zaks nói.