Nguyên nhân người phụ nữ điều khiển xe ô tô Mercedes GLC 250 BKS 30G-007.85 cuốn 3 xe máy vào gầm bốc cháy sáng 20/11 trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Tuy nhiên, qua hình ảnh hiện trường cho thấy người phụ nữ điều khiển phương tiện đi giày cao gót bước ra khỏi xe sau tai nạn.
Tại cơ quan công an, nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (SN 1972, ở Hoàng Đạo Thuý, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khai, khi đến ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ thì thấy có một số phương tiện phía trước xe nên định đạp chân phanh. Nhưng do bà đi giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên đã đạp nhầm chân ga làm ô tô Mercedes tăng tốc, phi thẳng vào dòng phương tiện phía trước, cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm.
Người phụ nữ đi giày cao gót bước ra khỏi xe Mercedes GLC 250 sau khi xảy ra vụ tai nạn trên đường Lê Văn Lương sáng 20/11.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông do người điều khiển ô tô đi giày cao gót.
Tháng 8/2019, gần nút giao Nguyễn Trãi - Láng, một chiếc xe BMW khi đang lưu thông trên đường bất ngờ tông vào nhiều phương tiện phía trước. Tại trụ sở Công an phường Thượng Đình (Thanh Xuân), nữ tài xế này cho biết quai giày cao gót bất ngờ vướng vào chân ga khiến chiếc xe lao về phía trước đâm liên hoàn vào xe máy, xe đạp điện đang lưu thông ở phía trước. Vụ tai nạn khiến một nạn nhân bị thương nặng.
Trước đó, tháng 10/ 2018, tại TP.HCM, một người phụ nữ điều khiển xe BMV tông liên hoàn vào các xe máy đang dừng đèn đỏ. Hậu quả 1 người tử vong và 5 người bị thương.
Người phụ nữ sau đó đã khai với cơ quan công an đã bị nhầm chân ga, chân phanh do đi giày cao gót.
Luật không quy định nhưng có khuyến cáo
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trong luật Giao thông đường bộ không quy định cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô. Tuy nhiên, thực tế trong đào tạo sát hạch lái xe đều có khuyến cáo tới các học viên ngay từ khi bắt đầu thực hành.
“Việc đi giày cao gót khi kỹ năng lái xe chưa thuần thục sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Chỉ cần luống cuống, đạp phanh, ga trật giày thì tai nạn là khó tránh. Do vậy khi học thực hành học viên đều được thầy dạy lái xe của các trường khuyến cáo”, ông Thống nói.
Ông Nguyễn Nhật Minh, một giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe có trụ sở tại Hà Nội cho biết, việc đi giày cao gót lái xe rất nguy hiểm nên ngay từ những ngày đầu học thực hành, thầy dạy đều phải nhắc nhở học viên nên đi giày thấp.
“Nhiều chị em khi đến học lái xe đi giày cao gót chúng tôi yêu cầu phải tháo ngay bởi nếu không sẽ rất nguy hiểm. Người mới học thao tác còn chậm nên rất dễ chân phanh đạp nhầm chân ga nên việc này thầy dạy phải thực hiện và nhắc nhở học viên rất nhiều", ông Minh cho biết.
Giày cao gót chính là thủ phạm khiến nhiều phụ nữ lái ô tô gây tai nạn thảm khốc.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, bản thân người học nếu nhận thức tốt, học bài bản và nắm bắt tốt kỹ năng thì đều thấy đi giày cao gót lái xe sẽ rất nguy hiểm.
“Học viên được dạy chân chỉ nhích gót, xoay từ ga sang phanh. Việc quay gót như vậy xử lý tình huống thực tế sẽ nhanh và thuần thục. Ngược lại, nếu đi giày cao gót thường phải nhấc chân lên đạp phanh, ga nên thao tác sẽ chậm, nhiều khi thao tác không thuần thục chân phanh nhầm chân ga… rất dễ xảy ra tai nạn”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng thông tin thêm, hiện tại trên thế giới chỉ có vài nước quy định lái xe không được đi giày, dép cao gót, trong đó điển hình là Úc. Còn lại đa số không quy định.