Ngày 16/1, công tác cứu hộ bé trai bị mắc kẹt trong trụ bê tông sâu 35m ở công trường bước sang ngày thứ 17. Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa thông tin diễn biến việc các lực lượng đang thực hiện để đưa thi thể bé trai lên để gia đình lo hậu sự.
Theo đó, trong đêm qua, tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ tiếp tục đào đất bằng gầu cạp.
"Trong quá trình đào đất, lực lượng cứu hộ dùng bentonite (loại sét khoáng có tính trương nở và độ nhớt cao) để giữ ổn định thành vách đến độ sâu 19m so với đầu cọc bê tông. Chỉ còn 5m nữa là cứu hộ đào đến đầu đốt cọc số 3", UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Vẫn theo UBND tỉnh Đồng Tháp, do chiều dài đầu cọc lớn nên cứu hộ phải cắt mối nối 1 và đưa đốt cọc 1 (1 trong 3 đoạn của trụ bê tông 35m) lên khỏi hố móng; đồng thời bịt kín đầu cọc để tránh bị đổ nghiêng.
Lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục đào đất trong lòng hố móng để đạt được độ sâu 23m tính từ đầu cọc bê tông. Sau đó, thực hiện đưa ống vách D2100 lên để chuẩn bị cho công tác rung hạ xuống hố móng.
Như đã đưa tin, vào trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba người bạn vào công trình cầu kênh Rọc Sen và không may gặp nạn. Tại đây, Nam bị rơi xuống trụ bê tông rỗng bên trong có đường kính 25cm. Trụ bê tông này đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng cùng phương tiện chuyên dụng được huy động đến hiện trường giải cứu bé trai.
Tối 4/1, Phó Chủ tịch Đồng Tháp - Đoàn Tấn Bửu thông tin, bé trai Hạo Nam đã tử vong. Kết luận này được đưa ra sau khi liên ngành pháp y, y tế và chính quyền địa phương hội chẩn dựa trên nhiều yếu tố liên quan.
Sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị bộ, sở, ngành địa phương, các chuyên gia và thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình.
Nhiều thiết bị phục vụ cứu hộ cũng được bổ sung đến hiện trường như: gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m, búa rung 180kW và máy phát điện.