Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến việc ngồi kéo dài và ít vận động thể chất là yếu tố nguy cơ dẫn đến những căn bệnh như béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa và bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những hành vi này cũng để lại những ảnh hưởng không tốt cho hệ tiết niệu của chúng ta.
Ảnh hưởng của việc ngồi lâu tới đường tiết niệu
Cụ thể, một nghiên cứu tiến hành trên 70,000 người ở Hàn Quốc, với thời gian theo dõi đến 2,5 năm chỉ ra rằng việc ngồi trên 5 tiếng mỗi ngày tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng đường tiểu dưới.
Các triệu chứng này có thể bao gồm việc bạn tiểu khó, tiểu ngắt quãng hoặc tiểu gấp, tiểu nhiều lần. Thời gian ngồi càng nhiều cũng sẽ càng làm tăng nguy cơ dẫn đến các triệu chứng trên. Cơ chế giải thích cho hiện tượng trên khá phức tạp, liên quan đến trương lực cơ và các yếu tố chuyển hóa.
Bên cạnh đó, việc ít vận động thể lực cũng đồng nghĩa với việc giảm tiêu hao năng lượng. Điều này tỷ lệ thuận với nguy cơ rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì. Các yếu tố này đồng thời làm tăng xơ vữa mạch máu, vô hình chung ảnh hưởng đến sự lưu thông và gây thiếu máu cục bộ vùng chậu. Hậu quả là tác động đến chức năng và làm thay đổi cấu trúc của cơ bàng quang, và dẫn đến các triệu chứng đường tiết niệu như trên.
Trong thực tế, đã có rất nhiều trường hợp dân văn phòng thăm khám về các triệu chứng đường tiết niệu như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, dù không tìm thấy tình trạng nhiễm trùng hay các bệnh lý kèm theo như sỏi. Nguyên nhân rất có thể đến từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày như đã nói ở trên
Vậy chúng ta nên làm gì để bảo vệ hệ tiết niệu?
Các khoảng nghỉ ngắn, đi lại chen giữa khoảng thời gian ngồi liên tục là rất quan trọng. Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên đi lại 5 phút sau 1 tiếng ngồi liên tục trên ghế.
Bên cạnh đó, việc uống đủ nước theo khuyến nghị là 8 ly nước mỗi ngày, tương đương 1,5l - 2l nước được đánh giá là quan trọng không kém cho sức khỏe hệ tiết niệu.
Hạn chế tối đa việc nhịn tiểu, hãy đi tiểu ngay khi cơ thể phát tín hiệu.
Hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường như trà sữa, cà phê sữa, nước tăng lực,... cũng là một cách bảo vệ thầm lặng không những cho hệ tiết niệu mà còn cho cả cơ thể chúng ta.