Trong lý lịch hồi đi học, tôi luôn đề “đã chết” vào mục khai họ tên bố. Năm lớp 6, cô giáo gọi tôi xuống và hỏi sao bố còn sống mà ghi như thế, tôi chỉ im lặng, tay vân vê tà áo đã rách nát. Cho đến bây giờ mấy anh em tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại nỗi sợ hãi và thẹn thùng mỗi khi cô giáo xướng tên những ai chưa nộp tiền quỹ trong đó luôn có tên mình. Khi tôi được 12 tháng, mẹ chuẩn bị mấy cây kẹo mút, dặn mấy anh nếu em khóc quá thì cho em mút cho đỡ đói, mẹ đem khoai sắn lên thị trấn cách đó 45 km đổi lấy lương thực. Có năm bà cô em ba từ Sài Gòn về thấy mẹ con ở trong cái trại nhỏ xíu, đói khổ, cô đi mua gạo và thịt nấu cho 5 anh em ăn. Ôi, 5 anh em hôm đó được một bữa no nhớ đời, ăn không kịp nhai đến nỗi mẹ sợ bội thực phải cấm không cho ăn thêm nữa.
Ngược lại, trong lúc đó ba tôi đang ở đâu? Ba lên Minh Hóa làm đo đạc đất đai và theo luôn một cô gái nổi tiếng trẻ trung, xinh đẹp. Họ dắt nhau qua bên Lào làm ăn, sinh con đẻ cái và định cư luôn bên đó. Ngày cưới anh đầu, cả gia đình ba về, nhìn cách ba chăm chút mấy người con nhỏ của họ, đứa lên 10, đứa lên 3 mà chúng tôi tủi thân vô cùng. 5 đứa con, ba thả nheo nhóc. Ba cũng nổi tiếng bạc nhược vì bỏ mẹ con mà đi giữa lúc cái khó, cái nghèo đang quấn lấy chân. Nhưng đối với gia đình nhỏ kia, ba lại là người chồng, người cha tuyệt vời. Ngày bà nội mất, ba về được vài ngày, dì ghen ngược ghen xuôi, dì điện í ới nào là mẹ nhớ ba, con nhớ ba không ngủ được. Ba lại nóng ruột nóng gan, đưa bà xong là đi sang Lào ngay.
Con ba bên ấy, ba lo ăn học từng chút một, có bao nhiêu tiền của cũng đầu tư cho bọn chúng. Nhưng anh em chúng tôi, ai cũng hiếu học nhưng buộc phải bỏ dở khi vừa lên lớp 9 vì mẹ không đủ sức chèo chống. Đúng như ông bà ta nói “trai thương vợ bé”, trong lòng ba chỉ có dì bên ấy và 2 đứa con bên ấy, còn chúng tôi như rơm như rác.
Thế nhưng cuộc sống không ai biết được chữ ngờ, lúc gian nan hoạn nạn mới biết được lòng người. Ba bị tai nạn trong một lần xuyên đường rừng mua gỗ về bán. Lần đó, ba bị liệt luôn hai chân và mọi thứ phải phục vụ tận giường. Dì lại điện về cho mẹ kêu la đủ thứ phiền toái khổ sở, dì còn bảo đất đai ở quê mẹ được hưởng hết thì nên nuôi ba, coi như cái phúc, dì còn công việc buôn bán không thể chăm ba trọn vẹn được... Một lần sang thăm, thấy ba bị bỏ đói, đầu tóc xù xì không tắm rửa, người gầy rộc đi, mẹ thương quá đành đón về nhà nuôi dưỡng.
Làm lúc khỏe mạnh, dành lúc ốm đau. Còn ba lúc khỏe mạnh đi cật lực làm lụng nuôi nhân tình, đến lúc tàn phế lại bị đẩy ra đường. Mặc dù hồi xưa ba phũ phàng như thế nhưng mẹ tôi vẫn không dứt bỏ nổi vì một ngày cũng là duyên nợ vợ chồng. Trước sự bao dung của mẹ, ba tôi lại hối hấn nhưng giờ hối hận liệu có quá muộn. Chúng tôi là những đứa con, sao khó chấp nhận một người cha như thế, liệu tôi có quá ích kỷ khi cứ mãi sống trong thù hận với chính người cha của mình.