Cô cho biết đột ngột xuất hiện các triệu chứng trên sau khi ngủ dậy. Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm kỹ lưỡng, bác sĩ chẩn đoán cô bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bệnh do rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất do ngoại cảm phong hàn (gió và lạnh).
Những ngày gần đây khi trời trở lạnh sâu, lượng bệnh nhân có các triệu chứng méo miệng, liệt mặt tới khám và điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương tăng đáng kể. Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân, gấp 2, 3 lần so với giai đoạn trước.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa cho biết, trước đây, bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đa phần là trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 45 mắc bệnh này lại chiếm số đông.
“Nhiều người già đã hiểu về bệnh và có biện pháp phòng tránh, trẻ em cũng được cha mẹ quan tâm kỹ hơn. Còn những người trẻ tuổi lại thường có tâm lý chủ quan nên rất dễ mắc bệnh”, bác sĩ Hưng nói.
Nam bác sĩ phân tích, nguyên lý của bệnh là khi gặp lạnh đột ngột, các mạch máu co lại khiến dây thần kinh số 7 ngoại biên không được nuôi dưỡng, mất chức năng. Từ đó, các cơ bám da vùng mặt sẽ bị liệt, người bệnh không thể vận động các cơ vùng mặt, không thể biểu cảm.
Trong thời tiết lạnh, nhiều người có thói quen xấu như mặc không đủ ấm, tắm nước lạnh, ăn uống các đồ quá lạnh dễ khiến cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, dẫn tới liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bệnh này có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, không riêng những người sức đề kháng yếu.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh là nước rơi vãi ở bên mặt bị liệt khi uống nước hoặc súc miệng. Khi bệnh nhân ăn, cơm sẽ bị giắt ở phía liệt. Ngoài ra, phần mắt ở bên liệt không thể nhắm kín, kèm cảm giác rất cộm và khô. Nhiều người có thêm tình trạng hơi tê vùng mặt.
Bác sĩ Hưng cho biết, tùy từng tình trạng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện điện châm, thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), xoa bóp, bấm huyệt nhẹ nhàng, sưởi ấm, chườm ấm hay cứu (làm nóng lên ở huyệt).
“Có trường hợp chỉ điều trị 5 ngày là khỏi và được xuất viện. Nhưng cũng có bệnh nhân phải điều trị tới 6 tháng do mức độ tổn thương lớn”, ông Hưng cho hay.
Những trường hợp nặng đa số nhập viện muộn do chủ quan, tự điều trị bằng các bài thuốc truyền miệng hoặc tin vào thầy lang theo quảng cáo. Bác sĩ Hưng chia sẻ, một số bệnh nhân điều trị tới 6 tháng, 1 năm vẫn chưa hồi phục hoàn toàn bởi tình trạng quá nặng.
“Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị xơ hóa cơ ở phần mặt bị liệt, ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và thị lực. Đặc biệt, vấn đề thẩm mỹ, diện mạo bên ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Châm cứu Trung ương khuyến cáo, trong mùa đông, người dân cần chú ý phòng chống gió lạnh, không ra ngoài quá sớm vì lúc đó nhiệt độ trong ngày thấp nhất, độ ẩm cao nhất. Khi ra ngoài trời, nên giữ ấm toàn bộ cơ thể, đặc biệt ở vùng cổ, mặt và ngực. Việc tắm nước lạnh, tắm quá khuya và ăn, uống các đồ lạnh cũng cần tránh.
Nếu có các dấu hiệu của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến quá nặng sẽ mất rất lâu để “sửa sai”, hoặc không thể phục hồi hoàn toàn.
Nguyễn Liên