Trà chanh gừng được ví như một loại thảo dược nhẹ nhàng pha trộn giữa chanh tươi và gừng. Kết hợp với một chút chất ngọt như mật ong sẽ giúp cho chúng ta có được khoảng thời gian nhẹ nhàng, thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ hơn. Dưới đây là những lợi ích của việc uống trà chanh gừng trước khi đi ngủ.
Có nên uống trà gừng trước khi đi ngủ?
Nhiều ý kiến cho rằng nếu ăn gừng vào buổi sáng tốt hơn cả uống nhân sâm, còn sử dụng vào buổi tối thì "độc ngang thạch tín". Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Đại tá - lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình - Hà Nội) cho biết, câu nói ăn gừng vào buổi tối độc ngang thạch tín chỉ là lời truyền miệng, không có cơ sở khoa học.
Theo Lương y Minh, trong sách cổ có câu nói này, nhưng đây chỉ là kinh nghiệm chứ nhiều nghiên cứu đều không chứng minh được điều này. Thực tế cho thấy, việc sử dụng gừng vào buổi tối bằng cách này hay cách khác như nấu canh cho thêm chút gừng, gà rang gừng… vẫn được người dân sử dụng thường xuyên vào bữa cơm tối và không ai bị sao cả.
Còn về phương diện Đông y, gừng vẫn được sử dụng trong một số bài thuốc dùng vào buổi tối để trị bệnh, điển hình như việc dùng gừng + muối + mật ong, cô thành viên để ôn ấm thận, an thần giúp ngủ ngon…
Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, gừng có thể chữa được cảm lạnh và là vị thuốc được sử dụng rất phổ biến trong đông y. Theo đó, khoảng 70% đơn thuốc đông y có vị gừng, qua đó có thể thấy rằng gừng có vị trí cực kỳ quan trọng trong hỗ trợ chữa bệnh.
Còn theo phân tích của y học hiện đại, gừng có chứa tinh dầu 2%–3%, chất nhựa 5%, chất béo 3%, tinh bột và các chất cay như zingeron, shogaola. Gừng được cho là có nhiều công dụng tốt với sức khỏe.
Thực tế, kiêng ăn gừng vào buổi tối là do trong gừng có chứa chất Cineole giúp giải tỏa stress, trị bệnh nhức nửa đầu, giúp tinh thần sảng khoái. Nếu uống hoặc ăn gừng nhiều vào bữa tối, hoặc sau bữa tối sẽ khiến tinh thần sảng khoái, gây mất ngủ…
Tác dụng của việc uống trà chanh gừng trước khi ngủ
Làm dịu chứng khó tiêu
Báo Lao động dẫn nguồn trang Healthline cho biết, cả chanh và gừng đều chứa các hợp chất thực vật có thể giúp làm dịu cơn đau bụng nhẹ do chứng khó tiêu. Gừng từ lâu được sử dụng trong y học dân gian nhờ khả năng làm giảm bớt tình trạng trống rỗng của dạ dày.
Còn chanh chứa hợp chất thực vật gọi là limonene, giúp hỗ trợ tiêu hóa, khả năng làm dịu cảm giác khó chịu khi no căng bụng. Mặc dù lượng limonene trong mỗi tách trà chanh gừng nhất định sẽ khác nhau, nhưng sự kết hợp của chanh và gừng sẽ làm dịu chứng khó tiêu rất hiệu quả.
Giảm bớt cảm giác buồn nôn
Gừng được biết đến với khả năng làm dịu cơn buồn nôn tốt hơn các thực phẩm khác. Theo nghiên cứu, tiêu thụ 1-5 gam gừng mỗi ngày có thể đủ để chống cơn buồn nôn hiệu quả. Kết hợp với một lát chanh tươi để axit trong chanh làm dịu đi sự cồn cào, khó chịu của dạ dày. Một ly chanh gừng ấm, nóng có thể ngăn chặn cảm giác buồn nôn rất tốt.
Giảm nghẹt mũi
Hơi nước bốc lên từ ly trà chanh gừng nóng có thể giúp làm dịu sự tắc nghẽn, cho phép không khí lưu thông qua mũi dễ dàng hơn một chút. Mặc dù những tác dụng này hầu hết chỉ mang tính chất truyền miệng và được hỗ trợ bởi y học dân gian, nhưng trà chanh gừng vẫn rất hữu ích cho chúng ta trong mùa lạnh và cúm hoặc nếu bị dị ứng theo mùa.
Làm giảm táo bón
Táo bón thường xảy ra khi cơ thể được bổ sung quá ít xơ và bị mất nước. Trà chanh gừng có tính hydrat hóa nên một ly trà nóng có thể giúp phân dễ dàng đi qua đường tiêu hóa hơn. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ chất lỏng vào ban ngày.
Giúp ổn định tinh thần
Một ly trà chanh gừng vào mỗi đêm trước khi đi ngủ mang lại cho chúng ta những giây phút suy tư tĩnh lặng. Hãy coi đó là cơ hội để cơ thể và tâm trí được thư giãn sau một ngày nhiều bộn bề, lo toan. Khi tinh thần được thoải mái, cơ thể của chúng ta cũng sẽ trở nên khoẻ mạnh hơn.
Cách pha trà chanh gừng
Để pha một tách trà chanh gừng, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm: 1 quả chanh, 1 củ gừng và mật ong (tùy thích).
Bước 1: Gừng gọt vỏ thái lát mỏng. Cắt chanh làm đôi. Vắt lấy nước cốt chanh từ 1/2 quả chanh. Cho nước cốt chanh và vài lát gừng vào cốc.
Bước 2: Pha thêm nước sôi cho đến khi cốc và ngâm trong 3 phút rồi uống. Nếu bạn thích uống ngọt có thể thêm một chút mật ong vào trà.