Ngày 12-6, hơn 93.000 thí sinh tại TP HCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023.
Phổ điểm chủ yếu từ 18-20
Sáng 12-6, ngay sau khi thí sinh kết thúc môn thi toán, theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề năm nay đã giảm tải so với các năm trước. Dù vẫn bảo đảm các yêu cầu cơ bản và phân hóa thí sinh nhưng đề thi toán năm nay không có các câu hỏi quá khó. "Điều này phù hợp với tình hình các em phải học trực tuyến trong gần suốt học kỳ I" - ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), nhìn nhận.
Theo ông Hải, những năm trước, điểm xét tuyển vào lớp 10 là tổng điểm 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, trong đó 2 môn toán, ngữ văn tính hệ số 2 nhưng năm nay cả 3 môn đều tính hệ số 1. Như vậy, thí sinh nào học tốt tiếng Anh sẽ là một lợi thế.
Ông Hải phân tích: So với cách tính điểm cũ, điểm chuẩn lớp 10 ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh dao động trong các năm từ khoảng 35-37 điểm. Với số điểm này, khi quy về tính hệ số 1 như năm nay thì điểm chuẩn vào Trường THPT Nguyễn Chí Thanh sẽ từ 21-22, trung bình mỗi môn 7 điểm. Những trường tốp 2 nhưng ở mức khá, điểm chuẩn sẽ khoảng 21-25. Như vậy, có thể dự đoán phổ điểm chuẩn phổ biến năm nay dao động 18-20. Riêng những trường tốp 1, điểm chuẩn có thể giữ nguyên, phải từ 28 trở lên.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay được nhiều giáo viên đánh giá cao, vừa thực tế vừa có tính giáo dục. Ông Phú nhận định chính sự phân hóa rõ trong đề thi nên điểm chuẩn năm nay sẽ khá cách biệt giữa các tốp trường. Cụ thể, điểm chuẩn ở những trường tốp trên so với năm học 2020-2021 (năm mà TP HCM phải xét tuyển học bạ vào lớp 10 do ảnh hưởng dịch bệnh) sẽ giữ nguyên, từ 23,5 trở lên. Điểm chuẩn vào Trường THPT Nguyễn Du có thể dự đoán vào khoảng 21,5.
Công bố kết quả vào ngày 24-6
Tại buổi họp báo thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 chiều 12-6, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết trong ngày 12-6, thêm 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi, nâng tổng số thí sinh bị đình chỉ trong kỳ thi này lên 4 em. Trong ngày thi thứ 2, có 93.277 thí sinh tham dự, vắng 704 em.
Buổi chiều 12-6, khi tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 chuyên, có 102 em không tham dự trong tổng số 6.484 thí sinh đăng ký. Cũng trong ngày 12-6, có 3 trường hợp thí sinh đến muộn, các điểm thi xử lý đúng quy chế và tổ chức cho các em thi phòng riêng.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho hay công tác chấm thi được bắt đầu từ ngày 13-6, ngày 16-6 sẽ chấm thi chính thức; ngày 22-6 thực hiện đối sánh kết quả bài thi với kết quả trên máy tính và ngày 24-6 công bố kết quả điểm thi lớp 10. "Sở GD-ĐT TP HCM đã huy động 2.169 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi" - ông Nam cho biết.
Điểm mới của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là việc "siết" đăng ký nguyện vọng, theo đó thí sinh không đăng ký nguyện vọng xa nhà trên 10 km. Ông Lê Hoài Nam cho rằng điều này sẽ giúp các em đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp và thực chất, hạn chế tình trạng chuyển trường sau khi đã trúng tuyển.
Thực tế những năm trước, để chắc chắn đậu, nhiều thí sinh đã đăng ký nguyện vọng tại các trường khu vực ngoại thành rất xa nơi sinh sống do những trường này có điểm chuẩn thấp. Tình trạng này trong quá trình đăng ký nguyện vọng đã làm gia tăng số lượng thí sinh ảo.
"Khi trúng tuyển, do xa xôi, không thuận tiện để theo học nên nhiều em đã chuyển trường, thậm chí chuyển ra học THPT ngoài công lập. Trong khi đó, những học sinh ở gần trường khu vực vùng ven như huyện Nhà Bè, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức), quận 8 lại không trúng tuyển, không có cơ hội học tập" - ông Nam dẫn chứng.
Không có cơ chế đặc cách
Trong số những thí sinh vắng mặt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, một số em không thể dự thi do bị bệnh đột ngột hoặc gặp tình huống bất khả kháng khác. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Nam, do là kỳ thi tuyển sinh nên không thể có cơ chế đặc cách cho các thí sinh này được.
Ông Nam cho biết ngày 16-6, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ công bố đề thi và đáp án các môn thi lớp 10.