Các nhà khoa học Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo của MIT cùng bác sĩ Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Mỹ đang nghiên cứu một thiết bị cấy ghép bên trong cơ thể giúp phát hiện và theo dõi bệnh nhanh và chính xác hơn, theo MITNews.
Giáo sư Dina Katabi, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết ReMix đã cấy thử nghiệm trên mô động vật được đánh dấu bằng một khối u giả. Nhóm dùng một thiết bị không dây có tín hiệu vô tuyến phát hiện nhịp tim, hơi thở và chuyển động. Sau đó sử dụng thuật toán theo dõi vị trí chính xác của điểm đánh dấu.
"ReMix theo dõi chính xác từng cm, không cần pin hoặc bất kỳ nguồn năng lượng bên ngoài. Các bác sĩ có thể cấy ghép thiết bị này để theo dõi khối u và cung cấp thuốc cho từng bộ phận trong cơ thể người", bà Katabi nói.
Tiến sĩ Deepak Vasisht, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết thiết bị có thể điều trị ung thư bằng cách bắn phá các khối u từ chùm proton được điều khiển bằng nam châm. Cách tiếp cận này cho phép bác sĩ kê toa liều phóng xạ cao hơn, thường chỉ giới hạn ở một số bệnh ung thư nhất định.
Nếu khối u di chuyển, các bộ phận khỏe mạnh có thể tiếp xúc trực tiếp với bức xạ. ReMix giúp bác sĩ xác định rõ hơn vị trí của khối u trong thời gian thực để đưa ra hướng điều trị phù hợp và điều khiển chùm tia vào đúng vị trí.
"Nếu muốn sử dụng công nghệ này trên bệnh nhân ung thư, thiết bị phải có tính khả thi về kỹ thuật và mô hình hóa cấu trúc vật lý của một người tốt hơn", ông Vasisht nói.
Theo nhóm nghiên cứu, họ vẫn đang làm việc để hoàn thiện Remix. Bước đầu, các nhà khoa học sẽ kết hợp dữ liệu không dây với công nghệ chụp quét cộng hưởng từ (MRI) để nâng cao thêm tính chính xác của thiết bị.